Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại cuối cùng, Neha Ojha không nhịn nổi cười khi chồng mình, Kundan - một người lính Ấn Độ định đặt tên cho con mình là Bạch Tuyết. Kundan hay tin vợ hạ sinh khi đang tuần tra tại một thung lũng phủ đầy tuyết ở biên giới với Trung Quốc.
Ojha nói với Kundan rằng anh nên chuẩn bị một cái tên Ấn Độ để đặt cho con trước khi trở về.
Nhưng Kundan đã không thể làm được điều đó. 16 giờ sau, Ojha nhận được tin chồng cô nằm trong số 20 binh sỹ Ấn Độ bỏ mạng trong cuộc đụng độ đẫm máu với quân đội Trung Quốc tại Thung lũng Galwan.
Tang lễ cho 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lính Trung Quốc được tổ chức hôm nay. (Ảnh: Reuters)
Tại quê nhà, Ojha phải chăm sóc đứa bé 18 ngày tuổi trong lúc chờ đợi hài cốt của người chồng xấu số.
"Tất cả chúng tôi đang đợi anh ấy về để làm lễ đặt tên cho con gái. Giờ thì chúng tôi phải chuẩn bị tổ chức nghi thức cuối cùng để tiễn đưa anh ấy", Ojha, 23 tuổi nói trong trong tiếng khóc nghẹn.
Quân đội Ấn Độ hôm 18/6 bàn giao thi thể của những người lính thiệt mạng trong vụ đụng độ tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua với Trung Quốc hồi đầu tuần.
Cả hai nước đổ lỗi cho nhau về cuộc đụng độ, nhưng đồng ý không tiến thêm bước nào để leo thang căng thẳng thêm nữa.
Những người lính Ấn Độ sống sót sau vụ ẩu đả cho biết các binh sỹ Trung Quốc đã sử dụng các thanh tre gắn đinh tại cuộc đối đầu trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ C ở địa hình núi cao trong khi phía Ấn Độ dùng đá và gậy.
Theo một thỏa thuận giữa 2 bên vào năm 1990, quân đội 2 nước được mang theo nhưng không được sử dụng vũ khí gần biên giới.
Trung Quốc xác nhận quân đội nước này tham gia vào cuộc ẩu đả với binh sỹ Ấn Độ nhưng không cập nhật về thương vong.
Gia đình của những người lính Ấn Độ đã khuất và nhiều công dân khác đang yêu cầu Thủ tướng Narendra Modi tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để trừng phạt Trung Quốc.
Mặc dù chồng mình được điều động tới một trong những khu vực được quân sự hóa bậc nhất thế giới, Ojha vẫn luôn cho rằng tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không leo thang tới mức quá nghiêm trọng.
"Chồng tôi từng so sánh những cuộc cãi vã với lính Trung Quốc như những vụ ẩu đả giữa các nam sinh trong trường, Chúng tôi đẩy họ, họ đẩy chúng tôi, chúng tôi ném gậy vào họ, họ ném trả. Tôi đã sai, tất cả chúng ta đều sai khi tin người Trung Quốc ... Họ phải bị trừng phạt", cô nói.
Các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn có quan hệ với đảng Bharatiya Janata của ông Modi đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và hủy bỏ hợp đồng với các công ty Trung Quốc.
"Trung Quốc có đội quân hùng mạnh nhưng Ấn Độ sẽ đoàn kết chống lại họ nếu họ tiếp tục các cuộc tấn công như vậy", ông Kishore Singh, cha của một người lính đã khuất nói.
"Người Trung Quốc đang sử dụng lực lượng vũ trang của họ trong bối cảnh đại dịch, thế giới phải sát cánh với Ấn Độ để trừng phạt họ", ông nói thêm.