Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Những người cặm cụi kiểm tra cầu, đường giữa nắng nóng hơn 40 độ C

Mặc những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C, người tuần đường vẫn cặm cụi đi kiểm tra cầu, đường để đảm bảo an toàn.

Ông Đỗ Văn Long, 49 tuổi, nhân viên Xí nghiệp vận tải đường sắt Hà Hải bên cầu Long Biên, cũng là nơi làm việc hàng ngày của ông suốt 29 năm qua. Công việc của ông Long là kiểm tra, phát hiện và xử lý các hư hỏng, chướng ngại để đảm bảo an toàn chạy tàu trong phạm vi địa giới được phân công.
“Các bậc cha ông nhà tôi đều là nhân viên đường sắt cả, nên có thể coi là nghề chọn tôi. Lương của nhân viên đi tuần không nhiều và mọi người thường phải làm thêm, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ bỏ nghề. Sinh ra, gắn bó và chăm sóc cầu Long Biên hàng ngày, với tôi nó giống như là ngôi nhà thứ hai”, ông Long nói.

Hàng ngày, ca làm việc của ông Long kéo dài 12 tiếng, luân phiên ca sáng và đêm. Mỗi ngày ông đi 8 lượt tuần cầu, từ chốt ga Gia Lâm đến giữa cầu Long Biên và quay lại, tổng số quãng đường gần 9 km.
“Đội tuần cầu Long Biên có 14 người ở cả hai đầu cầu. Công việc khi lên ban của người tuần cầu là phải kiểm tra, theo dõi trạng thái toàn bộ kết cấu từ mặt cầu đường sắt, đường bộ, dàn thép trên cao, dầm đỡ bên dưới, trụ, thành đỡ cầu”, ông Long cho biết.

Việc đầu tiên khi bước lên đường ray là ông Long đặt thước đo khoảng cách giữa hai bên đường ray. Theo ông, khoảng cách phải đều nhau, không được cách xa và cũng không được thu hẹp lại quá tiêu chuẩn quy định.
“Độ an toàn đường ray trên cầu luôn phải đặt cao nhất, không có bất kỳ sai sót nào. Bởi một khi sai sẽ khiến lật tàu, trật khỏi đường ray, cứu viện sẽ không vào được”, ông Long nói.

Không chỉ kiểm trên mặt trên đường ray, ông Long xuống gầm cầu, rà kỹ các nhịp dầm và thanh đỡ mặt cầu cũng như đường ray. Đây là những bộ phận quan trọng nhất của cầu vì chống đỡ mọi trọng lực phía trên.

Kết thúc một vòng tuần cầu, ông Long ngồi nghỉ ven thành cầu trước khi quay lại điểm xuất phát. Ở giữa cầu Long Biên có chòi nghỉ dành cho nhân viên đi tuần. Nhưng những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên 40 độ C, không gian trong chòi rất bí, chỉ đủ cho một người ngồi và phía bên ngoài thường bị người dân phóng uế nên ít khi được sử dụng. Chỉ khi vào mùa đông, ông Long mới vào ngồi nghỉ tránh gió rét.

Cách nơi ông Long làm việc khoảng 1 km, ông Trương Xuân Cường (40 tuổi) cũng đang bắt đầu lượt về của đợt đi tuần trong ngày. Cung đường đi tuần hàng ngày của nhân viên này bắt đầu từ ga Hà Nội đến ga Giáp Bát, dài khoảng 20 km.

Khi phát hiện lỗi trên đường ray không thể xử lý ngay, ông Cường đánh dấu và chụp ảnh xác nhận rồi gửi về cơ quan để kịp thời xử lý.

Hành trang của nhân viên tuần đường như ông Cường là chiếc túi vải đựng các vật dụng cần thiết gồm: cờ báo hiệu, thẻ bài, thước đo, sổ sách, cờ-lê, bút đánh dấu, hộp pháo và một bình nước.

Khi đi tuần, ông Cường phải luôn để mắt đến những thanh ray, tấm đan đường ray, tà vẹt, bu lông, ốc vít. Vì tính chất công việc, ông đã tự chọn cho mình đôi giày vải để dễ dàng di chuyển thay vì giày da được công ty phát.
“Đi tuần đường dài khó ở chỗ là đi trên đường ray, địa hình không bằng phẳng như đường thường và luôn phải bước đều khoảng cách mỗi bước nên tôi chọn giày cho dễ cử động chân hơn”, người đàn ông gắn bó 19 năm với nghề nói.

Khi tàu chạy qua, ông Cường giơ cờ báo hiệu với lái tàu. “Màu vàng là an toàn đi qua, màu đỏ là nguy hiểm”, ông giải thích.

Sau khi ký sổ xác nhận đi tuần ở các chốt chặn trên đường, ông Cường rót vội cốc nước để giải nhiệt. “Đi bộ ngoài trời suốt một đoạn đường dài nên nóng, khát nước và mệt lắm. Nhưng tôi cũng chỉ dám uống nhấp môi cho đỡ khô họng rồi khi về nơi nghỉ sẽ uống bù. Vì càng uống nước nhiều, người càng ra mồ hôi và mệt hơn”, ông nói.

Tuần cầu, đường vốn là công việc cô độc, khi những người đi tuần thường lầm lũi độc hành cả ngày nắng cũng như mưa. “Công việc tưởng chừng như chỉ đi thong dong ngoài đường nhưng trách nhiệm không hề nhẹ. Đã nhiều lần tôi muốn chuyển nghề, nhưng mỗi lần như vậy lại tự nhủ cố gắng thêm một chút xem thế nào, và rồi 19 năm cứ thế trôi qua, tôi vẫn ở đây và giờ thì quyết định gắn bó đến hết đời”, ông Cường nói, vừa tiếp tục cặm cụi trên đường ray hướng về ga Giáp Bát trong nắng nóng Hà Nội những ngày cuối tháng 6.

Nguồn: VnExpress

Tin mới