Gắn bó với công việc lau kính nhà cao tầng khoảng 3 năm nay, anh Giàng A Mùa (SN 1995, quê ở Mù Cang Chải, Yên Bái) vẫn cảm thấy kinh hãi khi phải làm việc vào những ngày hè nắng nóng, oi bức ở Hà Nội.
Trước khi làm nghề lau kính, anh Mùa từng là thợ xây, gắn bó với giàn giáo, độ cao. Tuy nhiên, lần đầu đu dây lau kính anh vẫn run sợ đến nỗi phải cầu cứu đồng nghiệp. "Lần đầu vào nghề, tôi đu dây lau kính căn nhà 7 tầng nhưng tôi sợ toát mồ hôi bởi độ cao chót vót. Khi đó, tôi phải bảo mọi người kéo lên vì quá sợ hãi", anh Mùa kể lại kỉ niệm ngày đầu bước vào nghề. Đến nay, anh có thể thoải mái treo mình trên những tòa cao ốc cao đến 45 tầng mà vẫn không chút sợ hãi. (Trong hình, anh Mùa buộc dây chằng ở trên nóc căn nhà 7 tầng nối xuống đất)
Khi ở trên nóc những căn nhà cao tầng để chằng dây, những "người nhện" như anh Mùa cảm nhận rõ nhất cái nóng khắc ngiệt bởi nhiệt độ có khi lên đến 50 độ C. Toàn thân đầm đìa mồ hôi, da mặt đỏ ửng khi tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng.
Thường ngày, anh Mùa phải mặc áo dài tay và đi làm ở khung giờ từ 15h30 để giảm bớt nắng nóng. Tuy nhiên, hôm nay, căn nhà cao tầng mà anh lau kính quay về hướng Đông nên khá mát mẻ, bởi vậy anh đi làm sớm hơn.
Dây chằng được lót tấm vải để tránh trơn tuột khi anh đu dây lau kính.
Anh Mùa buộc ghế nối với dây chằng để ngồi lau kính.
Dụng cụ lau kính gồm nước lau kính, miếng vải và cào gạt nước.
Khâu đầu tiên trong công việc của anh Mùa là lau ướt cửa kính bằng giẻ, sau đó dùng gạt nước để cào sạch.
"Hôm nay, tôi ngồi trong nhà còn cảm thấy bức bối, khó chịu, vậy mà những người thợ lau kính còn phơi nắng ngoài trời như đổ lửa. Công việc lau kính vốn đã rất nguy hiểm, cộng với nắng nóng như này thì quả thực là ác mộng", một người dân chia sẻ.
Trong chiều 22/6, anh Mùa lau kính một quán cà phê. Đối với tầng 3 và tầng 4, anh đu dây để lau, còn tầng 1 và 2 thì anh dùng que dài có gắn vật dụng để lau kính.
Công việc lau kính có mức thu nhập cao hơn so với nghề xây dựng, ngày công của những người thợ lau kính như anh Mùa dao động trong khoảng 350 nghìn đến 600 nghìn đồng/ngày. Tuy nghề này vất vả và nguy hiểm nhưng anh Mùa nói làm lâu cũng quen, bởi nó giúp anh có mức thu nhập tương đối để chu cấp cho vợ con ở quê nhà.