Nghĩa địa cá voi (thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) còn được gọi là "Ngọc lăng Nam Hải", nằm ngay bên bờ biển trong làng chài Phước Hải, với khoảng hơn 200 ngôi mộ nằm dưới những hàng dương xanh lộng gió.
Nghĩa địa rộng 2.000m2, được chia ra thành 5 khu vực, trong đó mỗi khu có khoảng 67 ngôi mộ cá Ông (cá voi).
Giữa nghĩa địa là đền hình lục giác thờ cá Ông, bao quanh là những hàng dương xanh cao lộng gió.
Bên trong đền hình lục giác thờ hình ảnh, tượng cá voi. Đây là nơi ngư dân làng chài Phước Hải đến thắp hương, cúng bái trước mỗi chuyến đi biển. Họ cầu mong chuyến đi biển gặp nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền.
Theo ngư dân làng chài, hàng năm ngày 16 tháng 2 (Âm lịch), làng chài Phước Hải tổ chức lễ Nghinh Ông long trọng, để cầu mong một năm đi biển may mắn và bình an.
Ngư dân làng chài bao đời nay luôn xem cá voi là hiện thân của sự linh thiêng, may mắn. Tuy nhiên, đến năm 1999 nghĩa địa cá voi mới được thành lập, đến nay nghĩa địa này đã chôn gần 500 cá voi.
Trên mỗi ngôi mộ đều được dựng bia ghi "Nam Hải chi mộ" và thông tin ngày, tháng, năm phát hiện cá voi chết. Còn phía sau bia ghi tên chủ ghe.
Tấm bảng của Trung tâm sách kỷ lục xác lập Nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam, năm 2011 được treo trang trọng tại dinh Ông Nam Hải.
Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cho biết: "Từ khi nghĩa địa cá Ông được thành lập, năm nào ngư dân làng chài chúng tôi cũng đến làm lễ cúng để cầu may mắn và bình an. Riêng đối với gia đình tôi, cứ mỗi đượt đi biển về đều ghé vào thắp hương. Với những người theo nghề đi biển như chúng tôi, ai phát hiện cá voi chết đầu tiên thì người đó được coi như con trai cả và phải chịu tang, làm lễ thờ cúng như đối với người thân trong gia đình".
Cũng theo anh Thanh, nghi lễ làm đám tang cho cá voi khá phức tạp, ngư dân phát hiện ra cá voi cũng phải cúng 49, 100 ngày, giỗ đầu... Khi chôn cá voi được 3 đến 5 năm, ngư dân sẽ làm lễ bốc cốt, rồi mang cốt cá voi vào Dinh thờ cúng.