Hơn mười năm nay, cứ đến Rằm tháng Giêng và Rằm tháng 7, nhiều dòng họ ở xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại chuẩn bị những mâm lễ nhìn rất lạ mắt để dâng lên tổ tiên.
Những chú gà cúng được tạo dáng cầu kỳ, độc đáo tạo nên nét văn hóa riêng cho vùng quê này.
Những mâm cỗ trang trọng thể hiện sự tài hoa, tâm huyết của người làm và lòng thành kính tổ tiên của người dân Thạch Châu.
Ông Phan Văn Hùng ở xã Thạch Châu cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Rằm, con cháu trong dòng họ chúng tôi lại tụ họp về nhà thờ để chuẩn bị bày biện mâm cỗ cúng tổ tiên. Những con gà chầu luôn được lựa chọn chu đáo để biện lễ".
Trước Rằm khoảng vài ba ngày, nếu không tự nuôi được gà thì mỗi hộ gia đình trong dòng họ phải mua những chú gà trống hơn 1 năm tuổi, nặng từ 3-4 kg để làm gà tế.
Sau khi chọn được gà đẹp, những người có kinh nghiệm và có bàn tay khéo léo được chọn để tạo nên những chú gà cúng bắt mắt, với đủ loại kiểu dáng như gà chầu, gà quỳ, gà bay...
Theo người dân, khâu cắt tiết, vặt lông phải rất cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Sau khi làm sạch, gà được tạo thế với sự hỗ trợ của dây thép, lạt giang.
Anh Phan Văn Hưng chuyên làm gà cúng chia sẻ, sau khi tạo thế thì khâu luộc gà rất quan trọng, phải dùng nồi lớn, để lửa đều trong khoảng một tiếng và thường xuyên quan sát, nếu lửa không đều sẽ khiến gà bị nứt thịt, rách da.
Để giữ gà tươi màu, không bị thâm đen thì phải ngâm qua nước muối pha loãng với tỷ lệ hợp lý. Gà sau khi tế họ được hạ xuống, con cháu cả họ cùng sum vầy chúc một năm tốt lành.
Hình ảnh những chú gà bay, gà chầu trên mâm cúng Rằm của dòng họ Phan Văn ở xã Thạch Châu:
Những chú gà chầu, đầu hướng về bàn thờ chính của dòng tộc.
Gà cúng được kết hợp với nhiều lễ vật trên mâm cỗ chồng cao để cúng tổ tiên.
Thế gà bay chân đạp lên mai rùa. Một người chuyên làm gà cúng chia sẻ, để hoàn thành được một con gà thế đứng, quỳ, bay… đẹp mắt phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Gà cúng qua bàn tay của những người thợ khéo léo tạo nên những mâm cỗ đầy nghệ thuật.