"Chúng tôi cùng các đồng minh quốc tế sẽ yêu cầu quân đội Myanmar chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của họ và theo đuổi công lý cho người dân Myanmar", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh.
Theo đó, Anh sẽ lập tức phong tỏa tài sản và cấm đi lại với ba quan chức quân đội Myanmar, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing.
London cũng đang xúc tiến việc ngăn chặn viện trợ gián tiếp của nước này hỗ trợ chính phủ Myanmar do quân đội lãnh đạo.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. (Ảnh: EPA-EFE)
"Quân đội và cảnh sát Myanmar đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm vi phạm quyền sống, quyền tự do hội họp, quyền không bị bắt hoặc giam giữ tùy tiện và quyền tự do ngôn luận”, tuyên bố của chính phủ Anh nêu rõ.
Trong một diễn biến liên quan, Na Uy cho biết nước này đã đóng băng viện trợ song phương cho Myanmar sau cuộc chính biến hồi đầu tháng.
"Cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 đã thay đổi các điều kiện cho sự can dự của Na Uy vào Myanmar và là lý do khiến Na Uy đóng băng chương trình hợp tác chuyên môn giữa các cơ quan nhà nước Na Uy và Myanmar", Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết trong tuyên bố hôm 18/2.
Bộ này nói thêm rằng viện trợ cho người dân Myanmar, được phân phối thông qua các cơ quan và tổ chức từ thiện của Liên hợp quốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định mới đây.
Na Uy năm 2021 chi ngân sách 7,84 triệu USD để thúc đẩy hoạt động các tổ chức công của Myanmar trong các lĩnh vực, gồm năng lượng tái tạo, môi trường và bảo vệ đại dương.
Số tiền bị đóng băng chủ yếu liên quan đến việc thanh toán của các chuyên gia Na Uy tham gia chương trình hợp tác và ở một mức độ nhỏ hơn khoản thanh toán cho các tổ chức của Myanmar.
Trước Anh, Mỹ cũng ban hành lệnh trừng phạt 10 quan chức quân sự ở Myanamar chịu trách nhiệm vụ đảo chính hôm 1/2. Nối gót Washington, New Zealand tuyên bố dừng mọi tiếp xúc cấp cao với Myanmar và áp lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân đội nước này.