Những người biểu tình kêu gọi quân đội thả bà Aung San Suu Kyi và các quan chức khác của Myanmar bị bắt giữ trong cuộc đảo chính ngày 1/2. Với hàng trăm nghìn người tham gia tuần hành, đây là đợt biểu tình lớn nhất ở Myanmar trong hơn một thập kỷ.
Quân đội Myanmar đã triển khai xe bọc thép, bố trí binh lính trên đường phố và hạn chế quyền truy cập internet nhưng người dân nước này vẫn tiếp tục biểu tình.
Người dân Myanmar vẫn biểu tình bất chấp động thái trấn áp từ quân đội. (Ảnh: EPA)
“Đây là cuộc chiến vì tương lai của đất nước và của chúng ta. Chúng tôi không muốn sống dưới chế độ độc tài quân sự”, nhà hoạt động Esther Ze Naw nói tại một cuộc biểu tình ở Yangon.
Tối ngày 15/2 tại thành phố Mandalay, lực lượng an ninh Myanmar đã sử dụng đạn cao su và máy bắn đá để giải tán đám đông biểu tình khiến hai người bị thương.
Cùng ngày, hơn 10 xe bọc thép và 4 vòi rồng được sử dụng để trấn áp cuộc biểu tình bên ngoài ngân hàng trung ương và đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Yangon.
Cảnh sát ở thủ đô Naypyidaw đã bắt giữ khoảng 20 học sinh trung học tham biểu tình. Video ghi lại vụ việc được đăng lên mạng cho thấy các học sinh vẫn hô vang khẩu hiệu khi bị áp giải trên xe cảnh sát. Theo hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị của Myanmar, có ít nhất 400 người phản đối cuộc đảo chính ở nước này đã bị bắt giữ.
Ông Nicholas Farrelly, giáo sư tại đại học Tasmania ở Australia, cho biết các cuộc biểu tình không chỉ được tổ chức trên toàn lãnh thổ Myanmar mà còn có sự tham gia của người dân thuộc mọi thế hệ, sắc tộc, tôn giáo và hệ tư tưởng.
Giáo sư Farrelly cũng chỉ ra việc quân đội Myanmar hạn chế internet là không hiệu quả: "Thế hệ người biểu tình ở Myanmar hiểu biết về công nghệ và có thể tận dụng hiểu biết đó ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt”.
Giới trẻ Myanmar đang lên tiếng phản đối quân đội nước này trên khắp các nền tảng mạng xã hội, họ khẳng địng cần lật đổ chế độ độc tài và khôi phục nền dân chủ. Nhiều người còn cho biết đất nước này từng bị "nghiền nát dưới ủng quân đội" trong thập kỷ trước và kêu gọi Mỹ cùng Liên Hiệp Quốc hành động chống lại quân đội Myanmar.