Chiều 30/12, ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến vắng bóng người. Đây là một trong những tuyến phố bắt đầu thực hiện lệnh cấm phục vụ ăn uống tại chỗ, chỉ bán mang về.
Hai bên phố Tạ Hiện, các cửa hàng đều khóa cửa. Suốt năm, các hộ kinh doanh ở đây đều chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều đợt phải đóng cửa do dịch COVID-19. "Cả năm không buôn bán được gì, hết đợt này đến đợt khác nên các chủ hàng ăn uống như chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều.", chị Dung, chủ quán cà phê, nói.
Quán cà phê hai mặt tiền trên phố Cầu Gỗ đóng cửa im lìm.
Phố Hàng Bè, địa chỉ nổi tiếng bán đồ ăn ngon của Hà Nội, khá đìu hiu. Mọi hoạt động mua bán đều được thực hiện qua tấm chắn giọt bắn.
Khu vực Hồ Gươm vắng người qua lại.
Ngoài khách đến mua mang về, các cơ sở dịch vụ ăn uống còn phục vụ qua ứng dụng online và đội ngũ giao hàng.
Phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) căng nhiều biển thông báo, yêu cầu người dân tạm dừng các hoạt động tập thể dục, thể thao ngoài trời, đặc biệt ở Hồ Tây. Trong ảnh, người dân dừng xe ở hàng kem Hồ Tây để mua mang về, thay vì ăn tại chỗ như mọi lần.
Tại một hàng ăn nằm trên phố Thuỵ Khuê.
Chị N., chủ quán, bộc bạch: "Cứ đóng lại mở, giờ thành quen rồi. Bán mang về cũng là may mắn rồi, còn hơn là bị đóng hẳn. Cầm cự làm sao để đủ tiền trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên thôi".
Cảnh phố vắng, quán đóng cửa nghỉ bán cũng tương tự tại phố Mai Anh Tuấn (quận Đống Đa).
Trước khi quận Hoàng Mai yêu cầu ngừng dịch vụ hàng ăn tại chỗ, con phố này là điểm đến quen thuộc của dân công sở, người lao động mỗi buổi trưa, nay vắng ngắt.
Chị L. (chủ cửa hàng cơm tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) xác định, cuối năm nếu chỉ bán mang về, doanh thu sẽ giảm đáng kể. "Bàn ghế tôi vẫn xếp một góc, bán mang về suốt cũng thành quen với cảnh đìu hiu này rồi.", chủ quán nói.