Ninh Thuận đang đối diện với hạn hán khốc liệt bởi nắng nóng kéo dài, các hồ chứa, kênh thủy lợi cạn khô đáy, hàng nghìn ha cây trồng và vật nuôi đang chật vật vì thiếu nước. Một đàn cừu tìm thức ăn gần Trung tâm Hành chính huyện Thuận Nam, vùng bị ảnh hưởng nhất trong mùa hạn. Tại huyện, hơn 54.000 con cừu đang thiếu thức ăn và nước uống.
Ông Kiền Văn Luận (thôn Văn Lâm, xã Phước Nam) chăn thả đàn cừu 600 con trên cánh đồng làng. "Mùa này, cây cỏ khô, cừu còn ăn tạm được, nhưng nước là bài toán khó", người đàn ông 48 tuổi nói, vừa nhìn con kênh cạn nước.
Những người chăn cừu ở xã Phước Nam giờ chỉ trông chờ vào giếng hoang nằm giữa cánh đồng, cách xã chừng 2 km. Giếng rộng 2,2 m, sâu 5 m, còn nguồn nước ít ỏi cho đàn cừu. Cứ 10h hàng ngày, anh Bá Chiêm Hoàn (27 tuổi, dân tộc Chăm) chạy xe máy đến giếng, rồi múc nước ra các rãnh đất và thau nhôm cho đàn cừu "giải nhiệt".
Khi đàn cừu của anh Hoàn vừa uống xong, cũng là lúc đàn cừu của ông Kiều Văn Luận tới giếng nước. Ông Luận phải chạy 4 km cùng đàn cừu để kịp lấy nước đổ ra thau cho chúng. "Dù ngược đường, tôi vẫn phải quay về đây cho chúng uống rồi quay trở lại đồng cũ, nếu không đàn cừu sẽ chết vì thiếu nước", người đàn ông chăn cừu nói.
Hết đàn cừu này uống xong, đến đàn khác xếp hàng, nối đuôi nhau chạy tới giếng nước giữa đồng Văn Lâm. Người chủ chăn liên tục múc nước lên đổ ra các rãnh đất để kịp giải khát cho cả đàn. Ông Bá Minh Bạch (áo xanh đậm) vừa đến sau ông Luận cho biết do nắng hạn, đàn cừu của gia đình đang chết dần. "Đàn cừu của nhà tôi có hơn 250 con, giờ chỉ còn 200 con nên dù có vất vả cỡ nào tôi cũng phải đưa chúng tới đây kiếm ngụm nước, rồi mới an tâm chăn thả tiếp", ông Bạch nói.
Chạy hơn 5 km để đến giếng nước, con cừu non trong đàn của ông Bạch mệt lả, quỵ gối hớp ngụm nước mát do chủ chăn vừa múc lên.
Vừa đưa đàn cừu trở lại cánh đồng, ông Kiều Văn Luận nhấp một ngụm nước để lấy sức đi chăn tiếp. Do chăn thả cả ngày, những người như ông Luận thường phải ăn bữa sáng thật no hoặc nhờ người tiếp tế lương thực và nước uống vào lúc trưa.
Không chỉ nước uống, thức ăn cũng trở nên khan hiếm với những đàn cừu. Cánh đồng Văn Lâm bên quốc lộ 1 là nơi duy nhất còn thức ăn tươi cho cừu trong mùa hạn. Trên cánh đồng từng trồng đậu xanh, các chủ chăn cùng hùn tiền để mua lại gốc đậu xanh từ các chủ ruộng với giá một triệu đồng mỗi ha. "Mỗi nhà góp 300.000 đồng, nhưng cả chục đàn cừu chỉ một tuần là ăn hết trụi. Hết thức ăn chỗ này, chúng tôi phải tìm những cánh đồng xa hơn để chăn thả, nhưng không mấy hy vọng là đủ thức ăn cho chúng", bà Nguyễn Thị Oanh (48 tuổi), chủ một đàn cừu cho biết.
Không phải đàn cừu nào cũng may mắn và "có điều kiện" như đàn cừu của bà Oanh. Trên cánh đồng phía Bắc làng Văn Lâm 4, nhiều con cừu không có gốc đậu xanh, chúng đành gặm những cây khô.
Bà Đàng Thanh Trâm (43 tuổi) ở thôn Văn Lâm 4, tìm được con cừu non bị lạc bầy ở cánh đồng bên cạnh. Bà kể, giữa trưa đang ngồi nghỉ đếm lại đàn, bà thấy bị mất một con nên chạy quanh đồng để tìm. "Bình thường nó ít lạc lắm, nhưng do quá đói, nó chạy lung tung hết. Nó thấy bầy bên kia có gốc đậu còn lá ăn ngon, nhập vào mà quên mất đàn của nhà mình", bà nói.
Nắng nóng càng lúc càng khốc liệt, các đàn cừu ở vùng "tâm hạn" huyện Thuận Nam phải liên tục di chuyển để tìm thức ăn. Dự báo nắng hạn sẽ kéo dài đến tháng 5 tháng 6. Người dân cho biết, cừu nhỏ nuôi khoảng 3 tháng, khoảng 12-15 kg là xuất chuồng. Họ thường nuôi lẫn lộn vừa cừu thịt vừa cừu đẻ. Một năm cừu đẻ hai lứa, lứa hai con. Cừu khó nuôi vì dễ bệnh khi thời tiết thay đổi, thiếu thức ăn, thức nước. Bình thường, đàn 100 con cả lớn cả nhỏ, trừ hết các chi phí thức ăn, thuốc, cám, công chăn... một năm lời chừng 30-40 triệu đồng.
Di chuyển cả ngày, từ cánh đồng này đến cánh đồng khác nhưng đàn cừu này vẫn chưa đủ no. Chúng về chuồng khi còn thiếu đói. "Mong sao mùa mưa đến sớm để đàn cừu còn trụ lại được. Chúng khỏe mạnh béo tốt, thì gia đình mới mong có dư để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học đàng hoàng. Nếu không, mùa tới cả nhà sẽ đói theo cừu", ông Kiều Văn Luận, chủ đàn cừu nói. Ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết địa phương đang rà soát tình hình thực tế của các hộ chăn nuôi cừu để có hướng dẫn và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. "Tới đây, nếu tình hình càng gay gắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con di chuyển đàn cừu đến nơi khác có đủ nguồn nước và phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán", ông Huyền nói. Ninh Thuận hiện là thủ phủ cừu của cả nước, tổng đàn 165.000 con. Cừu ở đây nuôi để lấy thịt, không lấy lông như các nước xứ lạnh. Trong trận hạn hán khốc liệt cuối năm 2014 đến năm 2015, khoảng 2.000 con gia súc, chủ yếu là dê và cừu ở bị chết do thiếu thức ăn, nước uống.