Cùng với hàng trăm vụ cháy rừng lớn nhỏ, nắng nóng gay gắt suốt hơn 3 tháng qua khiến các hồ đập tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế khô hạn.
Do mực nước trong hồ chứa đang ở mức chết nên hiện nay Công ty Thủy điện Quảng Trị tạm ngừng phát điện công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán. Các thủy điện còn lại tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nước.
Hạn hán kéo dài khiến nhiều hồ thủy lợi ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị trơ cạn đáy. Hàng loạt nhà máy thủy điện ở 2 địa phương này bị đẩy vào cảnh hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hẳn do thiếu nước.
Tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), kể từ khi đưa vào hoạt động từ năm 1994 với dung tích gần 10 triệu m3 nước, Đập Quao - hồ thủy lợi Hòa Mỹ được ví như một kì tích, giúp hồi sinh vùng đất chết. Cây lương thực và hoa màu phía hạ du hồ thủy lợi này xanh tốt bốn mùa nhờ nguồn nước tưới dồi dào. Tuy nhiên mùa khô năm 2019, lòng hồ khô cạn chỉ còn những vũng nước nhỏ, nhiều chỗ trơ đáy.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, nước trong hồ thường sâu khoảng 25m nhưng giờ nơi trũng nhất còn khoảng 3m nước và xuất hiện nhiều phần đất khô cạn dưới hồ. Hàng trăm hécta lúa bị cháy khô giai đoạn trổ bông do hồ Hòa Mỹ khô hạn không đủ nước tưới. Địa phương phải trích ngân sách hỗ trợ nông dân tiền mua máy bơm, dầu cùng ống dẫn nước để lấy nước từ các sông, khe nước về cứu cây trồng héo khô.
Khốc liệt hơn là hồ thủy lợi Thọ Sơn, Sơn Thọ… làm nhiệm vụ tưới tiêu cho hàng ngàn hécta lúa của thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nay khô cạn, đất bùn lòng hồ khô nứt nẻ hoặc biến thành những bãi cỏ rộng. Nhiều bậc cao niên ở đây khẳng định, chưa bao giờ khô hạn kéo dài và gió Lào hoạt động mạnh kéo dài như năm nay.
Hạn hán gây ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân và gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp 2 địa phương này.
“Mọi người rồi sẽ lấy chi mà sống vì ngay cả cây đậu phộng, loại cây chịu hạn tốt cũng đang héo úa thì các loại cây lương thực khác coi như không còn cửa sống”, ông Nguyễn Văn Kết (80 tuổi, trú xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) nói.
Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các hồ chứa thủy lợi đồng loạt khô hạn khiến gần 3.000ha cây lương thực các loại của nông dân trên địa bàn thiếu nước nghiêm trọng, nhiều diện tích cây trồng chết khô hoặc giảm năng suất. Địa phương báo cáo Trung ương hỗ trợ 76,3 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí tiền điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nắng nóng và khô hạn xảy ra tập trung tại Trung bộ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Qua thống kê, các địa phương khu vực Trung bộ có hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp bị hạn hán, thiếu nước.
Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp so với trung bình cùng kỳ nhiều năm làm dung tích của các hồ chứa vừa và lớn toàn vùng bắc Trung bộ chỉ đạt 43% so với dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 13% và năm 2017 là 22%. Nhiều hồ thủy lợi mực nước xuống dưới 7% so với thiết kế.
Tổng cục Thủy lợi có văn bản đôn đốc Sở NN&PTNT các tỉnh Trung bộ thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch cấp nước cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi.
Nạo vét hệ thống dẫn nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến bơm cấp nước, đào giếng khoan tìm kiếm nguồn nước cho các khu vực bị thiếu nước; tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, vận động nhân dân trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Lâu dài, các tỉnh Trung bộ tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất ít tiêu tốn nước thích nghi với điều kiện thời tiết khô hạn, khắc nghiệt.