Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID-19 đặt tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa c đi vào hoạt động ngày 16/8.
Đây là 1 trong 12 trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Trung tâm có quy mô 200 giường được xây dựng khẩn cấp, nằm biệt lập với các khu vực điều trị khác của bệnh viện.
Theo phân tầng điều trị của Bộ Y tế, Trung tâm có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch tại TP Cần Thơ và các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực ĐBSCL chuyển đến.
Để phục vụ riêng cho công tác điều trị của trung tâm, bệnh viện đã lắp đặt thêm bồn oxy 20m3, đảm bảo nguồn oxy sử dụng trong 1 tháng.
Với gói tài trợ trên 50 tỉ đồng từ ngân hàng Techcombank, trung tâm đã được trang bị đầy đủ máy móc trang thiết bị kỹ thuật chuyên sâu.
Trong đó, có 40 máy thở chức năng cao, 30 máy thở lưu lượng cao qua đường mũi, 150 máy truyền dịch, 200 giường hồi sức...
Giường bệnh với máy móc hiện đại.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã huy động 32 bác sỹ cùng 50 điều dưỡng để phục vụ cho trung tâm. Đây là lực lượng chủ chốt của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc cùng lực lượng bổ sung từ các khoa Đột Quỵ, Bệnh Nhiệt đới, Khoa Gây Mê Hồi sức, Phẫu thuật tim, Nội Tim Mạch, Hô hấp, Tiêu hóa...
Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai khu điều trị hồi sức các trường hợp COVID-19 nặng của khu vực ĐBSCL song song với nhiệm vụ đảm bảo điều trị cấp cứu các bệnh lý khác kể cả các trường hợp cấp cứu kỹ thuật cao (mổ tim cấp cứu, can thiệp mạch vành cấp cứu, mạch não… ) từ các tuyến chuyển về.
“Bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng cần phải can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu. Đặc biệt là đã thực hiện thành công 2 trường hợp ECMO cho bệnh nhân COVID-19 nặng”, bác sĩ Phạm Thanh Phong thông tin.