Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7) được Bộ Y tế trưng dụng khu B và C làm Trung tâm Hồi sức cấp cứu do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều hành với quy mô 500 giường.
Ban đầu, trung tâm dự kiến được đưa vào hoạt động ngày 3/8. Tuy nhiên, sau khi khảo sát toàn bộ thực trạng ở đây, Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu điều chỉnh và thay đổi một số hạng mục để phù hợp với trung tâm hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân COVID-19.
Khu C có gần 20 phòng bệnh được chuyển đổi thành văn phòng, nhà điều hành. Các kho dược, thiết bị và phòng nghỉ cho nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai sẽ được tập trung tại đây.
TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các thiết bị cao cấp nhất từ máy ECMO đến các máy thở chức năng cao, hệ thống thở oxy lưu lượng cao phục vụ điều trị lọc máu đã được triển khai ở đây. Điều này giúp trung tâm có thể tiếp nhận những bệnh nhân tiên lượng nặng nhất ở TP.HCM.
Bệnh viện dã chiến số 16 đã được lắp đặt bồn oxy lỏng có dung tích 7,5 m3. Nhận thấy khối lượng này chưa phù hợp, Bệnh viện Bạch Mai triển khai lắp thêm một bình với dung tích 30 m3. Toàn bộ lượng oxy này được dẫn đến tận giường cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng.
Bên trong khu B, các ống dẫn khí oxy vào giường bệnh nhân được thay từ ống nhựa thành ống đồng.
Hàng trăm chiếc giường sắt trước đó cũng được thay bằng giường cấp cứu chuyên dụng. "Giai đoạn đầu, chúng tôi khởi động 100 giường hồi sức, 400 giường tiếp theo sẽ được triển khai ngay sau đó để hoàn thành đủ 500 giường nếu như nhu cầu bệnh nhân tiếp tục tăng", TS Sơn chia sẻ thêm.
Một số phòng trước đó được dùng làm nơi siêu âm, kho thuốc cũng được chuyển đổi thành phòng cấp cứu. Trong ảnh là kỹ sư điện của nhà thầu lắp thêm đèn và chuông báo hiệu để chuyển đổi phòng siêu âm thành phòng cấp cứu.
Theo kế hoạch, 100 giường hồi sức ban đầu của trung tâm chính thức hoạt động và nhận bệnh từ ngày 9/8.
Trước đó, Bệnh viện dã chiến số 16 đã tiếp nhận hơn 200 F0 tại khu B và C. Sau khi có thông báo chuyển đổi công năng thành trung tâm hồi sức cấp cứu, toàn bộ số bệnh nhân được chuyển về khu E và F. Sau đó, quân nhân phun khử khuẩn toàn diện 2 khu vực này để chuẩn bị bàn giao cho Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM với quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 đã đi vào hoạt động, Bộ Y tế thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.
Bộ Y tế giao ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 với quy mô 500 giường. Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… vào làm việc.
Ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP Thủ Đức với quy mô 500 giường. Đồng thời, bộ cũng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm Hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13.