Theo tục lệ cổ truyền của người Việt Nam, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng ngăm, ông Công, ông Táo lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc với Ngọc Hoàng. Vì vậy, cứ đến ngày này người dân làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Sau khi cũng lễ, người dân mang cá chép ra sông hồ thả phóng sinh.
Chiều 24/1 tại khu vực hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa), dù chưa đến chính ngày Tết ông Công, ông Táo nhưng nhiều người nườm nượp đi thả cá chép.
Thói quen thả cá chép kèm theo tro bụi khiến một góc hồ Hoàng Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cá chép mới thả đã chết nổi lên mặt nước ngay lúc đó. Đây là hình ảnh xấu trong ngày tiễn ông Công ông Táo về trời.
Việc thả cá cùng tro khiến nhiều con cá chép chết, gây ô nhiễm môi trường.
Chứng kiến cảnh tượng này, anh Nguyễn Văn Nam (quận Đống Đa) chia sẻ: "Dù nhiều người góp ý không vứt rác xuống sông, hồ nhưng một số người không chịu nghe. Việc thả cá kèm theo tro bụi khiến môi trường bị hủy hoại".
Tại Hồ Tây (quận Tây Hồ), nhiều người tới đây để thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời sớm.
Do không bị đổ tro bụi nên nước ở Hồ Tây không bị ô nhiễm.
Điểm thả cá thân thiện tại Hồ Tây nhận được hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình từ người dân. Chị Trần Thu Hoài, Bí thư đoàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) cho hay, dịp lễ ông Công ông Táo hàng năm, Đoàn thanh niên phối hợp với Hội cựu chiến binh và Hội phụ nữ triển khai tổ tuyên truyền người dân thả cả không thả túi ni-lông.
"Từ ngày 19 tháng Chạp đến ngày 23 tháng Chạp, thanh niên, cô bác trong phường sẽ vận động gom túi ni lông một chỗ và chuyển tới công ty môi trường xử lý. Đoàn phường Yên phụ chia lực lượng thành 3 ca, mỗi ca trực gồm 3-4 đoàn viên thanh niên", chị Hoài nói.