Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, dưa hấu nhiều nước, vị ngọt, mát. Trong y học cổ truyền, dưa hấu tính hàn, tác dụng lợi tiểu, điều trị phù nề, vàng da, tiểu đường. Đặc biệt, vỏ quả có công dụng giải rượu. Sau khi uống rượu, nhất là khi uống hơi quá chén, hãy nhớ ăn một, hai miếng dưa hấu và dùng vỏ quả dưa hấu xay lấy nước uống sẽ giúp giải rượu rất nhanh.
Dưa hấu có rất nhiều giá trị dinh dưỡng. (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh dưa hấu, nước sấu cũng là một trong những lựa chọn có thể dùng để giải rượu. Để giải rượu, người dân hay có thói quen dùng chanh mật ong. Bạn có thể dùng sấu ngâm đường uống. Nếu không có sấu ngâm, bạn lấy sấu khô nấu nước cô đặc lại, thêm mật ong hoặc đường phèn, gừng. Uống 1-2 ly giải nồng độ cồn, giúp cơ thể khỏe mạnh nhanh hơn.
Bạn cũng có thể lấy một nắm hoa sắn dây tươi hoặc khô, tráng một lần qua nước sau đó hãm với khoảng 200 ml nước. Uống hoa sắn dây ngay sau khi uống rượu say sẽ giúp giải rượu, giảm say và giảm men rượu nhanh chóng.
Bạn cũng có thể dùng quả quýt để giải rượu, sau khi uống rượu bia, ăn một vài trái quýt hoặc ép trái quýt lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu.
Chuyên gia khuyên, để giải rượu hiệu quả, trước tiên cần cho người đó uống nhiều nước lọc để pha loãng lượng rượu đã uống vào, giúp quá trình đào thảo rượu ra ngoài cơ thể được nhanh chóng. Sau đó có thể áp dụng một trong phương pháp trên để giảm tình trạng mệt mỏi, đau đầu do rượu gây nên.
Giải rượu chỉ giúp người say tỉnh táo nhanh chóng và đỡ mệt hơn nhưng vẫn không thể làm giảm đi tác hại của rượu với cơ thể. Vì vậy, mỗi người nên tự biết "tửu lượng" của mình và uống rượu ở chừng mực nhất định.
Chuyên gia khuyến cáo không uống quá hai đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn mỗi ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).