Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ảnh: La liệt cỗ máy khổng lồ nằm chờ được ‘hóa kiếp’ ở thủ phủ đồng nát

(VTC News) -

Nhiều cỗ máy kích thước to hơn đường kính của bụi tre, hình thù lạ mắt nằm la liệt ngay lòng đường làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) chờ được mổ xẻ, tháo dỡ.

Video: Đủ loại đồng nát lớn nhỏ được tập kết ở làng nghề Quan Độ

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Đông Bắc, Làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được mệnh danh là "thủ phủ" đồng nát vì đây là làng nghề chuyên thu mua, xử lý đủ loại phế liệu từ đồ bé xíu như vỏ lon bia, dây điện…cho đến xe cộ và các cỗ máy công nghiệp khổng lồ.

Ngay khi bước chân vào đường làng, thứ đầu tiên PV nhìn thấy là một chiếc máy công nghiệp lớn gần bằng một gian nhà đang nằm yên vị bên lề đường để chờ đến ngày mổ xẻ. Chủ nhân cỗ máy phế liệu cho biết đây là một cỗ máy xẻ gỗ công nghiệp, có trọng lượng khoảng 5 tấn. Sở dĩ chưa được tháo dỡ là vì người này muốn để nguyên trạng, mong muốn gặp khách để bán được giá cao.

Chị Nguyễn Thơm, 37 tuổi, một người dân trong làng nói: “Dân làng ở đây đã làm nghề thu mua, phân loại phế liệu mấy chục năm nay rồi, người nào làm sớm nhất thì tuổi nghề cũng khoảng 30 năm, không ít đã đổi đời nhờ nghề này”.

Còn đây là chiếc xe kéo mà gia đình bà Nghiêm Thị Th. thu mua được cách đây ít lâu. Thay vì mổ xẻ, bà giữ nguyên để chờ bán cho khách có nhu cầu.

Người phụ nữ này cho biết, muốn kiếm được nhiều tiền, những người có kinh nghiệm thường săn lùng các món hàng lớn như tàu hỏa, máy bay, các loại máy kéo, thiết bị y tế… thì mới mong thắng lớn, thu về nhiều tiền.

Cứ nghe ngóng thấy ở đâu có hàng, công ty nào thanh lý máy móc là người làng Quan Độ lại đánh xe cẩu đến tận nơi thu mua, mang về làng để "mổ xẻ", phân loại rồi bán cho khách có nhu cầu.

Cách đây khoảng 5-10 năm, ở đây không thiếu các loại toa tàu, máy bay, trẻ con hiếu kỳ tha hồ chui vào vui chơi khám phá. Đến nay thì các mặt hàng này ít hơn nhưng cứ đến dịp cuối năm cũng vẫn có. Hàng loại này khi về đến đây cũng chỉ là từng bộ phận ví dụ như khoang lái máy bay, một toa tàu hỏa chứ không phải là nguyên chiếc”, bà Th. cho biết.

Bà Th. bảo: “Cũng nhờ có nghề này, thanh niên trai tráng trong làng lớn lên không phải đi làm ở các khu công nghiệp, mà chỉ lao động tại địa phương, làm nghề tháo, dỡ các loại máy móc. Thu nhập trung bình cũng khoảng 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng".

"Làm nghề này tuy vất vả một chút nhưng được cái làm ngay tại nhà, sáng dậy muộn cũng được, chiều nghỉ sớm cũng không sao. Khách đến hỏi mua gì thì bán nấy", bà Th cho biết thêm.

Một cỗ máy phế liệu có kích thước to hơn đường kính của bụi tre giữa làng.

Hai cỗ máy phế liệu khác cùng các loại cáp điện chiếm gần hết mặt tiền rộng khoảng gần 40m2 của một hộ gia đình trong làng.

Một người dân địa phương cho biết, dân làng Quan Độ có khoảng hơn 100 hộ làm nghề thu mua phế liệu thì một nửa trong số đó là chuyên thu mua, xử lý, phân loại các loại dây điện, một nửa còn lại là thu mua mặt hàng khác như các loại máy công nghiệp, tuabin, động cơ, máy móc.

Các máy móc phế liệu cỡ lớn thường được đặt ở lề đường, không cần che chắn, bảo quản. Trong khi các đồ nhỏ hơn như các thiết bị điện tử thì được đặt trong sân nhà để tiện cho việc tháo dỡ.

4 chiếc tuabin khủng nằm trước cánh cửa khóa chặt của một xưởng đồng nát.

Một chiếc xe cứu thương cũng đang nằm chờ "hóa kiếp".

Công Hiếu

Tin mới