Trần Phương Khanh là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nữ sinh gây ấn tượng với nhiều người bởi phong thái tự tin và giọng nói truyền cảm.
Từng bị nhận định 'không đỗ cấp 3"
Bố làm ngoại giao nên từ nhỏ Khanh không ít lần phải chuyển trường để theo bố. Năm 2009, bố công tác 4 năm tại Ấn Độ, Khanh cũng bắt đầu vào học lớp 3 đến lớp 7 tại đây. Trước khi sang đây, em không được học tiếng Anh cơ bản nên việc thích nghi với môi trường mới rất khó khăn. Thời gian đầu, Khanh lúng túng không diễn đạt được ý muốn nói với người xung quanh. Sau 1 năm “chật vật” cải thiện ngoại ngữ, Khanh dần thích nghi được với môi trường học tập ở Ấn Độ.
Nữ sinh Trần Phương Khanh, thủ khoa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2021.
Tuy nhiên không ít lần em bị bạn bè trong lớp "phân biệt đối xử". Nữ sinh kể: “Một lần em đứng chờ xe, 3 bạn nam tụm lại rồi đứng áp sát người. Sau đó, các bạn ấy chê em là đồ mắt híp, gọi em là "Chinky" - đây là một từ ác ý khi nói về những người mắt một mí. Không chỉ một lần, mà các bạn nam thường xuyên chỉ tay vào mặt trêu dai dẳng suốt một thời gian dài, nhìn thấy em ở đâu là trêu ở đó.
Có hôm ăn trưa ở trường, các bạn đều ăn chay nên kỳ thị khi thấy em ăn thịt bò. Những hôm như vậy em thường phải ngồi ra một chỗ khác, cách xa các bạn để ăn”.
Dù bị bạn bè chê bai về ngoại hình, nhưng Phương Khanh khá cứng rắn và phản bác lại bằng những hành động tự vệ để các bạn không tiếp tục trêu mình. Đồng thời em cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của giáo viên và phụ huynh để nhắc nhở các bạn không tiếp tục trò đùa đó nữa.
Đến năm học lớp 7, bố hoàn thành nhiệm kỳ công tác, Khanh và gia đình trở về Việt Nam sinh sống. Thay đổi môi trường học, Khanh bị sốc kiến thức do chương chương trình học ở Ấn Độ khác với Việt Nam. Các bài kiểm tra của Khanh chỉ được 5, 6 điểm.
Phương Khanh phải cố gắng và tăng thời gian học gấp đôi mỗi ngày thì mới theo kịp bạn bè. Nhiều lúc, em chạy về phòng khóc vì bất lực, học mãi không bằng bạn bè. Khanh tủi thân khi thầy cô nghĩ em sẽ không đỗ vào cấp 3, không đỗ đại học vì “hổng” kiến thức quá nhiều.
Khanh dành 2 năm để học bù những kiến thức chưa được học và bắt nhịp với các bạn. Nhờ vậy, khi bắt đầu vào cấp 3, sức học của Khanh đã bật lên khá hơn nhiều. Em bắt đầu đạt thành tích học sinh giỏi và thuộc top đầu trong lớp.
Năm lớp 12, Khanh biết đến chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền qua mạng xã hội. Trước đó, em không có ý định cụ thể về một ngành học nào đó. Phương Khanh chia sẻ: “Em chọn ngành học với tâm lý thoải mái và không bị áp đặt từ bố mẹ. Sau khi tìm hiểu nhiều trường đại học khác nhau, em thấy tên ngành Quan hệ quốc tế khá “xịn” và ấn tượng nên quyết định đăng ký xét tuyển”.
Thủ khoa xuất sắc
Năm 2017, Trần Phương Khanh là á khoa đầu vào của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 27,5 điểm (tổ hợp Anh, Văn, Địa). Tuy có lượng kiến thức nền nhất định song Khanh lại choáng ngợp khi ngày đầu bước chân vào trường. Thấy các anh chị có gu thời trang riêng, tài năng riêng nên em lại tự hỏi bản thân: “Mình là ai trong môi trường mới này?”.
Suốt 4 năm đại học, Khanh tạo cho bản thân thói quen tìm sách các môn học về đọc trước khi có lịch học. Em sẽ đọc bài vào trước buổi tối và lướt qua các đầu mục, đọc kỹ mục chính, ví dụ minh họa. Những môn có kiến thức về cơ cấu, tổ chức hay mô phỏng thì Khanh sẽ ngồi vẽ sơ đồ trước để hôm sau vừa nghe vừa hiểu được bài của giảng viên tốt hơn.
Khanh áp dụng cách học 2.1.3 (2 tiếng học, 1 tiếng chơi, 3 tiếng nghiên cứu vấn đề, tra thêm các thông tin mở rộng). Nữ sinh tham khảo sách từ nhiều nguồn thư viện khác nhau để tiếp cận được nhiều khía cạnh của vấn đề.
Thường trước khi làm tiểu luận hay bài tập lớn, em sẽ xem xét thư viện nào có thể cung cấp đầy đủ tài liệu sau đó tự chủ động tới và đăng ký thẻ thư viện. Trong trường hợp nhiều nơi có yêu cầu giấy giới thiệu của trường thì em sẽ tự đăng ký trước với khoa để xin giấy giới thiệu.
Vóc dáng Phương Khanh khá nhỏ nhắn nhưng không kém phần năng động và tự tin trong học tập lẫn hoạt động của trường.
Khanh còn có thói quen ghi âm tất cả các buổi học trên lớp. Không phải để về bóc băng rồi đánh máy mà Khanh sẽ nghe lại băng ghi âm trong hai trường hợp: lúc nghỉ ngơi trước kỳ thi và khoảng thời gian rảnh không có việc gì làm. Nữ sinh cho rằng, nếu chỉ nghe giảng trên lớp sẽ rất khó hiểu từng ý của giảng viên, thi thoảng lại bị mất tập trung.
Nhờ kỷ luật nghiêm khắc của bản thân trong học tập, Phương Khanh đạt những thành tích tiêu biểu như: 4 năm liền đều đạt học bổng loại Giỏi và xuất sắc; giải Khuyến khích cuộc thi nghiên cứu về Biến đổi khí hậu do Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (Đức) phối hợp cùng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức năm 2019; Giấy khen “Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên” năm 2020 loại Xuất sắc; Đạt loại Xuất sắc đề tài nghiên cứu khoa học: “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua tổ các sự kiện quốc tế tại Việt Nam từ năm 2015 – nay”.