Phạm Đình Dương (sinh năm 1999, Thanh Hóa) là sinh viên lớp “Chương trình tài năng, Điều khiển tự động” khóa 62, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Hiếu học từ nhỏ
Từ nhỏ, Dương thích xem các chương trình về khoa học kỹ thuật. Lên cấp 2, em có thể sửa được một số đồ vật bị hư hỏng trong gia đình. Lớp 9, Dương tự sửa, cài đặt máy tính bàn của gia đình thay vì bố phải mang ra cửa hàng. Bố mẹ là giáo viên tiểu học nên Dương sớm được bố mẹ rèn thói quen và kỷ luật học.
Những năm tháng cấp 2, cấp 3, Dương dành phần lớn thời gian cho việc học.Ban ngày em học trên trường, tối dành 4 tiếng tự học, sáng dậy sớm ôn lại kiến thức từ 5h30 đến 6h30. Có thế mạnh về các môn khối khoa học tự nhiên, Dương chọn môn Toán để gắn bó, chinh phục giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, huyện.
Năm lớp 12, cậu bắt đầu tìm hiểu về các trường học đào tạo khoa học kỹ thuật. Em biết đến danh tiếng của Đại học Bách Khoa Hà Nội qua nhiều kênh truyền thông khác nhau nên quyết định đăng ký nguyện vọng. Với số điểm 29,8 khối A và 29,5 khối B, Dương đỗ thủ khoa đầu vào Viện Điện
Phạm Đình Dương thủ khoa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội 2021. (Ảnh: NVCC)
“Sốc” vì lần đầu tiên được 5 điểm
Lên đại học, tiếp cận với môi trường mới, dù sẵn nền tảng về môn Toán khá tốt từ trước nhưng khi bước vào năm nhất đại học, Dương bị “sốc” khi lần đầu nhận điểm 5 môn Giải tích giữa kỳ.
“Em chưa khi nào được điểm thấp môn Toán như vậy trước đây. Em đã suy nghĩ lại về cách học và nhận ra bản thân chưa thực sự chú trọng đến cách trình bày, đào sâu môn học. Em bắt đầu thay đổi, dành thời gian nhiều hơn, hỏi thầy, hỏi bạn nhiều hơn”, Dương chia sẻ.
Cú sốc đầu đại học giúp Dương có một tâm thế học tập khác. Em “cởi mở” với suy nghĩ về điểm số và việc học để hiểu. Em tìm đến các tài liệu, giáo trình nghiên cứu để đọc, tìm hiểu trước bằng tinh thần sẵn sàng, hiểu bản chất, không học vẹt. Đặc biệt, nam sinh không “nóng vội” khi học tiếp cận vấn đề mới. Em cho rằng, cần đầu tư nhiều thời gian và phải xác định “đi đường dài” thì việc nghiên cứu mới hiệu quả.
Em kết hợp thảo luận nhóm nhiều hơn với nhóm bạn 4 người. Mỗi bạn trong nhóm sẽ có thế mạnh về môn học riêng nên có thể chia sẻ kiến thức với các bạn còn lại ở các môn cơ sở. Cuối mỗi kỳ, Dương sẽ ở cùng nhóm bạn 2 tuần trước khi thi để trao đổi về những vướng mắc môn học, “chỉ bài chéo” giữa các thành viên.
Một số môn học Dương không sắp xếp được thời gian ôn thi. Tuy chỉ còn 2 hôm trước khi thi nhưng em vẫn đặt mục tiêu cao. “Không sắp xếp thời gian đủ làm em khá thất vọng về bản thân nhưng vẫn phải cố gắng hết sức. Em lao vào học có kế hoạch, note lại ý chính, vẽ sơ đồ tư duy rồi nhớ luôn, đêm không ngủ, sáng đi thi rồi về ngủ sau”, Dương nói.
Trong nhiều thành tích đạt được, Dương còn có 2 bài báo nghiên cứu công bố ở hội nghị quốc tế.
Ngoài thời gian học, Dương duy trì việc làm thêm để có thêm thu nhập. Dương chọn làm gia sư môn Toán mỗi tuần 2 buổi. Em dạy gia sư từ cuối năm 2 đến đầu năm 4.
Ngoài học tập, Đình Dương tích cực tham gia hoạt động tình nguyện. (Ảnh: NVCC)
Không sợ thất nghiệp
Dương tự tin và khẳng định bản thân không sợ thất nghiệp, em chia sẻ: “Nếu có năng lực thì sẽ được công nhận”. Khi còn là sinh viên, em hay gặp áp lực về định hướng nghề nghiệp tương lai. Dương chứng kiến nhiều bạn bè của mình chuyển nghề, làm trái ngành nên đôi khi cũng bị lung lay, nản chí.
Theo em, bằng đại học là chứng nhận cho hành trình mình trải qua điều gì, học được điều gì. Các nghiên cứu trong lĩnh vực của em tuy hơi hàn lâm nhưng không có gì là sai nếu chưa áp dụng được ngay ở thực tiễn.
Dương chia sẻ: “Lý thuyết phải đi trước thực tiễn. Học và nghiên cứu để nâng cao tư duy bản thân trước mọi vấn đề. Quan trọng hơn, em coi những kiến thức đã học và đang nghiên cứu là nền tảng để đi đường dài”.
Hiện Dương chọn công việc kỹ sư Điều khiển tự động tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel.