Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

3 tháng cuối năm là thời gian vàng, thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam

(VTC News) -

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định 3 tháng cuối năm là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 1/10, Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ phối hợp với Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng sông Cửu Long - Dự báo Quý IV và triển vọng năm 2022.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra những phân tích về tác động của dịch bệnh với nền kinh tế Việt Nam và thách thức đặt ra cho doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến.

Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam trở thành ngôi sao trong nền kinh tế thế giới khi kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh và duy trì tăng trưởng 6 tháng đầu năm đến mức 5,64% (cao hàng đầu thế giới). Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến xu hướng trên đảo chiều.

“Lần đầu tiên trong suốt 2 thập kỷ qua kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố thống kê theo quý, tăng trưởng của Việt Nam ước tính âm 6,17% quý 3 so với quý 2. TP.HCM và các tỉnh trung tâm của dịch bệnh có thể âm đến 2 con số. Xu hướng này dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm.

Nhìn ra bên ngoài thì bức tranh hoàn toàn trái ngược. Trong năm 2021, dự báo nền kinh tế thế giới tăng khoảng 5,6%. Đây là mức phục hồi lớn nhất trong 80 năm qua và xu hướng này vẫn đang tiếp tục được giữ vững. Trong bối cảnh đó Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu bởi vì hiện nay các thị trường xuất nhập khẩu chiến lược của chúng ta đang trong quá trình phực hồi kinh tế, nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Các đối thủ cạnh tranh cũng đang mở của nền kinh tế và họ có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Ồng Vũ Tiến Lộc.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu tình hình trên vẫn tiếp diễn thì đầu tư nước ngoài sẽ đảo chiều. Lần đầu tiên ở Việt Nam số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới.

“Trong 9 tháng đầu năm chỉ có 85.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 90.000 doanh nghiệp. Chưa kể số lượng rất lớn các doanh nghiệp dù đã rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm các thủ tục phá sản, giải thể do dịch bệnh. Đây là lần đầu số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở nước ta nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới. Bình quân 1 tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường”, ông Vũ Tiến Lộc thông tin.

Nghiêm trọng hơn, ngay cả các doanh nghiệp đang còn hoạt động, phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 94% doanh nghiệp trong cả nước gặp khó khăn do dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phía Nam có tới 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt là khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ.

“Phần lớn các danh nghiệp nói rằng họ không thể trụ được 3 đến 6 tháng tới nếu tình hình không được cải thiện. Trong quý 3 năm 2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. Chỉ trong 100 ngày, đội quân thất nghiệp tăng 2,4 triệu người. Đó là con số khủng khiếp đang rung lên hồi chuông báo động cho chính sách an sinh, đe doạ sự bình yên của xã hội, của gia đình”, ông Vũ Tiến Lộc.

3 tháng cuối năm là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử

Theo ông Vũ Tiến Lộc, với sự chuyển hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, trong 2 tuần qua, dịch bệnh được kiểm soát bước đầu tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác. Việt Nam đang đứng trước cơ hội ngàn vàng có thể nới lỏng giãn cách và mở của thị trường để tái khởi động nền kinh tế.

Tôi nghĩ rằng áp lực lúc này là mở cửa hay là chết. 3 tháng cuối năm, 100 ngày tới sẽ là thời gian và cũng là thách thức sinh tử đối với nền kinh tế Việt Nam. Nếu chúng ta không đảo chiều được thì có nghĩa nền kinh tế tiếp tục âm sâu và không biết bao giờ mới khôi phục lại được.

Mở cửa là con đường không thể khác được, mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả vô cùng lớn. Rất may là chúng ta đang có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh đang kiểm soát tốt nhưng quan trọng chúng ta phải có quyết tâm”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

3 tháng cuối năm là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết đã đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành tài liệu thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19 để xác lập được các kịch bản khuôn khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, để kiên định sống an toàn với dịch bệnh, tránh lúc đóng, lúc mở, lúc siết, lúc buông.

"Tránh trên nói một đằng dưới làm mội nẻo, tỉnh A thông đường tỉnh B thì rào chắn, huyện thì bảo người lao động hoạt động bình thường còn xã bảo ai ở đâu ở yên đó.

Bên cạnh hướng dẫn chung của Trung ương, tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ các giải pháp, các phương án, kịch bản mở cửa và kích hoạt phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Tôi cũng nghĩ ĐBSCL hoàn toàn có thể có kịch bản phối hợp với nhau mở cửa tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của khu vực này”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Trung ương ủng hộ TP.HCM thực hiện quy định điều kiện mở cửa phù hợp đặc thù yêu cầu dịch tễ và phát triển kinh tế của địa phương này. Nếu TP.HCM tuân thủ các điều kiện chặt chẽ mà Bộ Y tế đang chủ trương thì vài tháng nữa TP.HCM mới mở cửa. Trong trường hợp đó trung tâm kinh tế này sẽ tê liệt tiếp trong vài tháng tới, điều đó là vô cùng nguy hiểm không chỉ với nền kinh tế TP.HCM mà cả với nền kinh tế quốc gia.

Với tư cách là động lực kinh tế lớn nhất của cả nước, sự hồi phục của TP.HCM sẽ là động lực cho cả vùng, cả nước và kết nối kinh tế của chúng ta với thế giới.

“Trong giãn cách hay phong toả, mỗi xã, mỗi phường có thể là một pháo đài nhưng trong công cuộc tái thiết, phục hồi kinh tế, mỗi xã, mỗi phường, mỗi doanh nghiệp phải là một tế bào. Chia cắt, ngăn sống cấm chợ thì nền kinh tế và doanh nghiệp chết. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền từ những ngày phong toả vừa qua. Phải kết nối để lao động trở lại công trường, vật tư có thể trở lại nhà máy, hàng hoá có thể đến với thị trường. Muốn vậy, cả vùng, cả nước phải chung tay mở cửa”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng sự giảm tăng trưởng GDP trong quý 3 chỉ là nhất thời, tăng trưởng GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở của thị trường và kích hoạt nền kinh tế được thực hiện một cách mạnh mẽ.

THANH TIẾN

Tin mới