Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia WB đề xuất 4 bài học thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam

(VTC News) -

Chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) đề xuất 4 bài học để thúc đẩy quá trình phục hồi và giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới.

Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội.

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các chuyên gia, đại diện các tổ chức nước ngoài (WB, ADB, IMF) chia sẻ những nhận xét, ý kiến về các diễn biến tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, dự báo năm 2022 và các năm tiếp theo; diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và những tác động tới kinh tế - xã hội của Việt Nam; tình hình trong nước, bối cảnh để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng cuối năm 2021, cả năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phát biểu tại toạ đàm với chủ đề "COVID-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang", ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã chuyển từ vị trí một ngôi sao xuống dưới mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021.

So sánh kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế, đại diện WB rút ra 5 nguyên nhân đó là tình hình y tế xấu đi; Các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc để đuổi kịp; Hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; Chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng và Các chương trình trợ giúp xã hội rụt rè, hạn chế.

Từ đó, đại diện WB đề xuất 4 bài học để thúc đẩy quá trình phục hồi và giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới, trong đó tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch, và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Đại diện WB cho rằng vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn; Tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và Tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới.

Tại toạ đàm, Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19 với 3 giai đoạn.

Trên cơ sở phân tích bối cảnh và những thách thức đang đặt ra, TS Nguyễn Thị Hồng Minh đưa ra 6 khuyến nghị chính sách trong thời gian tới, trong đó, ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, năm 2021, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chưa bắt nhịp, đồng điệu với kinh tế thế giới. Trong khi kinh tế thế giới và nhiều nước đảo chiều từ tăng trưởng âm của 2020 sang tăng trưởng dương 2021 thì Việt Nam tăng trưởng 2021 dự báo không đạt kế hoạch và tăng không đáng kể so với 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

“Nhận diện các thách thức là rất quan trọng để triển khai thực hiện kế hoạch các tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch 2022”, ông Hải nói.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ trương của Đảng và Nhà nước là tập trung khống chế dịch để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và để tạo cơ sở cho việc khôi phục, phát triển kinh tế. Đồng thời duy trì, khôi phục hoạt động kinh tế để có năng lực, nguồn lực, điều kiện cho phòng, chống dịch.

Phát biểu một số vấn đề gợi mở, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn nhận được những ý kiến tâm huyết, sát thực cho Quốc hội và những thông tin này cũng là đề xuất gợi mở cho Chính phủ xây dựng, đề xuất các chính sách dài hơi hơn cho thời gian tiếp theo.

Xuân Trường

Tin mới