Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hai miền di sản rục rịch mở cửa đón khách du lịch

(VTC News) -

Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các địa phương như Quảng Nam, Quảng Bình bắt đầu rục rịch, sẵn sàng tâm thế mở cửa đón khách du lịch.

Gần 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch cả nước nói chung và tại Quảng Nam, Quảng Bình nói riêng rơi vào trạng thái tê liệt. Hiện tại, khi dịch bệnh bớt căng thẳng, hai địa phương này đang lên phương án, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho công cuộc hồi phục ngành “công nghiệp không khói”.

Vô vàn khó khăn do du lịch đóng băng

Trước đây, khi đại dịch chưa bùng phát, Phong Nha - Kẻ Bàng là địa điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Quảng Bình. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách tham quan danh thắng này chỉ đạt 19% so với năm 2019 và 30% so với năm 2020.

Phong Nha - Kẻ Bàng vắng bóng du khách vì dịch COVID-19.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 ngay lập tức ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, khiến hàng loạt cơ quan, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Các ngành dịch vụ không còn cách nào khác phải đóng cửa.

Ông Hoàng Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, trong vòng 8 tháng qua, danh thắng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới chỉ đón khách vỏn vẹn tháng 4. Các tháng còn lại, Phong Nha – Kẻ Bàng đóng cửa để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Theo ông Thắng, Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng có tổng cộng 150 công chức, viên chức. Tuy nhiên, mấy tháng nay, đơn vị đã tạm hoãn đăng ký hợp đồng với 70 người vì không có khả năng chi trả lương.

“Không có khách, đồng nghĩa doanh thu không có, buộc lòng chúng tôi phải cắt giảm nhân sự. Với 80 người còn lại, họ phải thường xuyên có mặt ở danh thắng để trùng tu, bảo dưỡng, dọn vệ sinh”, ông Thắng nói.

Tương tự, từ sau dịp lễ 30/4 - 1/5 (thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát), đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) - Di sản văn hóa thế giới, vắng bóng du khách. Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình TP Hội An tạm thời hoãn hợp đồng đối với 140 lao động vì ngành Du lịch tại địa phương “đóng băng”.

Ngành Du lịch Hội An "đóng băng" từ sau dịp lễ 30/4 - 1/5.

“Trước đây, cơ quan có tổng cộng 200 nhân viên làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát và kéo dài dai dẳng khiến chúng tôi mất nguồn thu từ hàng loạt các hoạt động như bán vé tham quan, biểu diễn nghệ thuật…Vì vậy, gần 3/4 nhân sự của cơ quan phải tạm thời nghỉ việc”, bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình TP Hội An cho hay.

Không có khách du lịch, hàng loạt loại hình dịch vụ khác như homestay, khách sạn, nhà hàng, chèo thuyền đưa rước khách... ở Phong Nha – Kẻ Bàng và Hội An cũng tạm dừng từ nhiều tháng nay.

Đơn cử, thời điểm chưa xuất hiện dịch COVID-19, mỗi ngày có cả trăm chiếc thuyền ngược xuôi trên dòng sông Hoài để phục vụ khách khám phá phố cổ Hội An. Thế nhưng, hơn một năm qua, trên bến dưới thuyền đều rơi vào trạng thái vắng lặng vì vắng bóng du khách.

Những chiếc thuyền phục vụ khách tham quan trên sông Hoài "chôn chân" dọc theo bờ kè.

Bà Lê Thị Năm (58 tuổi) buồn bã chia sẻ: “Hồi dịch bệnh chưa càn quét, công việc chèo thuyền đưa khách tham quan trên sông giúp gia đình tôi có nguồn thu tương đối ổn định. Còn bây giờ, thuyền “chôn chân” ven bờ từ ngày này qua tháng nọ. Chỉ mong dịch bệnh sớm được dập tắt để bà con sống nhờ du lịch như tôi được làm nghề, có thu nhập trang trải cuộc sống”.

Mở cửa du lịch trong điều kiện mới

Những ngày qua, khi dịch bệnh tại địa phương cơ bản được kiểm soát, tỉnh Quảng Bình lên kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch.

Mới đây, ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có buổi làm việc với các Sở, ngành, doanh nghiệp liên quan về triển khai hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới; nghiên cứu các phương án dần mở cửa, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch, sẵn sàng đón du khách. 

Tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình xác định kế hoạch phục hồi du lịch chia làm 2 giai đoạn, từ nay đến hết tháng 12/2021 và từ 1/1/2022 đến 31/12/2023. 

Trong giai đoạn 1, tỉnh Quảng Bình tập trung sửa chữa, nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, triển khai thí điểm một số sản phẩm du lịch trọn gói theo quy trình khép kín, du lịch theo “luồng xanh”. Giai đoạn 2, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát hoàn toàn, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp khôi phục toàn bộ hoạt động kinh doanh du lịch.

Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay: "UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn nữa trong phối hợp, điều hành hoạt động du lịch. Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 theo lộ trình chống dịch cho ngành Du lịch để sớm phát triển du lịch trong điều kiện mới".

Ông Phong cũng thống nhất với một số kiến nghị của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng trong thời gian tới, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi các hoạt động du lịch tại địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh đã thống nhất đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc trình Thủ tướng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép địa phương được đón khách quốc tế sau khi thực hiện thí điểm tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Quảng Nam muốn mở cửa đón khách quốc tế sau khi thực hiện thí điểm tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đề xuất này nhằm từng bước khôi phục lại các hoạt động của ngành du lịch, dịch vụ; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quảng bá điểm đến Quảng Nam - điểm đến an toàn và hấp dẫn.

"Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng phương án mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt là đảm bảo các yêu cầu về đối tượng tiêm phủ vaccine; quy trình đón, phục vụ khách; thị trường khách mục tiêu; phương án xử lý sự cố y tế phát sinh.

Nếu tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho dân đạt tỷ lệ 70% thì địa phương sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch", ông Hồng nói và thông tin thêm, giữa tháng 10 tới, địa phương sẽ tổ chức hội nghị du lịch. Trước mắt, tỉnh sẽ đón khách nội địa rồi mới tính tới khách quốc tế. 

THANH BA - LÊ NGỌC

Tin mới