Thông tin trên được đại diện các doanh nghiệp chia sẻ tại toạ đàm "Nhu cầu và định hướng hợp tác với doanh nghiệp của trường Vật liệu" được trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức mới đây.
Ông Hamada Shogo, Giám đốc Công ty Daiwa Plastics Thăng Long nhận định, sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học nên trang bị thêm nhiều kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn, gọi chung là khả năng sẵn sàng làm việc trong các doanh nghiệp.
Sinh viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng ngoài kiến thức chuyên môn. (Ảnh minh hoạ)
Ông Hamada Shogo chỉ rõ 3 kỹ năng sinh viên cần trang bị tốt trước khi làm việc tại các doanh nghiệp. Thứ nhất, để bắt nhịp nhanh với công việc, sinh viên cần tiếp thu những kỹ thuật độc đáo tại nơi chính nơi làm việc là các công ty, doanh nghiệp. Đây là cách nhanh nhất giúp sinh viên vận dụng kiến thức chuyên môn đã học vào thực tiễn sản xuất sản phẩm cho doanh nghiệp.
Thứ hai, kỹ năng giao tiếp, đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi làm việc trong doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào. Trong quá trình làm việc nhất định phải trao đổi nhiều thông tin, do đó, việc truyền tải nội dung không tốt sẽ ảnh hưởng đến kết quả làm việc.
Ông Hamada Shogo nêu ví dụ: "Trong một buổi thuyết trình gồm 10 người nghe nhưng chỉ 6 người hiểu nội dung, 4 người còn lại hiểu theo các ý khác nhau, vậy là bài thuyết trình không thành công. Phải nói để cả 10 người hiểu rõ thì hiệu quả công việc mới đạt mức tối đa".
Thứ ba, kỹ năng marketing, quảng cáo. Ông cho rằng, thoạt nhìn một số ngành sản xuất không liên quan nhiều đến marketing, quảng cáo nhưng nhìn sâu xa, hai lĩnh vực này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu bạn nhận công việc trong ngành sản xuất, thì bạn phải phân tích được sản phẩm bạn nghiên cứu ra có bán chạy hay không.
"Mục đích của sản xuất là bán được hàng. Do vậy am hiểu marketing, quảng cáo là điều quan trọng, giúp cá nhân và doanh nghiệp có phương hướng điều chỉnh để sản phẩm tiếp cận gần hơn với công chúng", ông nhấn mạnh.
Doanh nhân người Nhật này cũng nhận định, kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, kéo theo đó là các công ty phát triển theo hướng đa lĩnh vực, do đó có đòi hỏi khá cao ở nhân sự.
Thế nhưng, các trường đại học không thể đào tạo tốt song hành kiến thức và các kỹ năng. Do vậy phải có sự kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp, đại học cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên và doanh nghiệp tạo điều kiện cho các em thực hành, trải nghiệm tại môi trường thực tế.
"Các trường đại học nên đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên phải học tài chính doanh nghiệp, quá trình đó có thể mấy vài năm nhưng là cách tốt nhất để nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy hết khả năng học tại 4 - 5 năm đại học", ông Hamada Shogo nói.
Tại toạ đàm, nhiều đại diện doanh nghiệp quốc tế cũng khuyên các sinh viên nên tìm hiểu thêm về AI, chuyển đổi số để nhanh chóng bắt kịp với các xu hướng của thời đại hiện nay. Song, kiến thức cơ bản vẫn là quan trọng nhất, nắm chắc nền tảng chuyên môn mới có thể phát huy tối đa kỹ năng, kinh nghiệm tích luỹ từ thực tế.
Tại toạ đàm, PGS Nguyễn Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng trường Vật liệu cũng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp là đối tác quan trọng của trường Vật liệu trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với thực tế sản. Hợp tác để gia tăng giá trị cho cả hai bên, hợp tác để phát triển bền vững”.
Theo PGS Liêm, việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sẽ được thực hiện một cách có lộ trình, cả các hoạt động ngắn hạn và hướng tới dài hạn, phụ thuộc vào nhu cầu thực chất của cả hai bên, không mang nặng hình thức, từng bước chia sẻ hỗ trợ để cả hai đều phát triển bền vững.