Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

17 trường đại học của Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng URAP 2022

Thêm 5 trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng URAP 2022, nâng tổng số trường đại học ở nước ta có tên trong bảng xếp hạng này lên 17 trường.

Tổ chức Xếp hạng Đại học thế giới theo thành tựu Học thuật - URAP (University Ranking by Academic Performance) vừa công bố kết quả xếp hạng các đại học năm 2022.

Việt Nam đã có thêm 5 trường đại học lọt vào bảng xếp hạng này, nâng tổng số lên 17 trường so với tháng 12/2021.

Top 10 trường đại học của Việt Nam trên Bảng Xếp hạng URAP 2022 như sau:

1. Trường ĐH Tôn Đức Thắng, xếp vị trí 427 thế giới.

2. Trường ĐH Duy Tân, xếp vị trí 446 thế giới.

3. ĐH Quốc gia TP.HCM, xếp vị trí 1.013 thế giới.

4. ĐH Quốc gia Hà Nội, xếp vị trí 1.104 thế giới.

5. Trường ĐH Y Hà Nội, xếp vị trí 1.235 thế giới.

6. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, xếp vị trí 1.379 thế giới.

7. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, xếp vị trí 1.526 thế giới.

8. ĐH Huế, xếp vị trí 2.178 thế giới.

9. Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, xếp vị trí 2.203 thế giới.

10. ĐH Cần Thơ, xếp vị trí 2.291 thế giới.

Các trường đại học trong Top 10 trên bảng xếp hạng của Việt Nam không có nhiều thay đổi và phần lớn là tăng hạng trên bảng xếp hạng thế giới. Trong đó:

Trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn giữ vị trí số 1 (tăng 212 bậc trên bảng xếp hạng thế giới), Trường ĐH Duy Tân giữ vị trí thứ 2 (tăng 343 bậc trên bảng xếp hạng thế giới).

Hai trường, ĐH Quốc gia TP.HCM (xếp vị trí thứ 3) và ĐH Quốc gia Hà Nội (xếp vị trí thứ 4) đổi vị trí cho nhau.

Trường ĐH Y Hà Nội vẫn giữ vị trí số 5, trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn giữ vị trí số 6, và trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn giữ vị trí số 7 trong xếp hạng các đại học Việt Nam.

Học viện Nông nghiệp rời khỏi Top 10, thay vào đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lọt Top 10 với vị trí thứ 9. 

ĐH Cần Thơ từ vị trí số 8 xuống vị trí số 10.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là trường mới, được URAP xếp hạng năm 2022 nhưng đã vào luôn trong Top 10.

Ngoài ra, có 5 trường khác cũng được URAP xếp hạng năm nay, đó là:

ĐH Thái Nguyên: vị trí 11 các đại học Việt Nam và 2.516 thế giới.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: vị trí 12 các đại học Việt Nam và 2.543 thế giới.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: vị trí 15 các đại học Việt Nam và 2.665 thế giới.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: vị trí 16 các đại học Việt Nam và 2.798 thế giới.

Trường ĐH Thủy Lợi: vị trí 17 các đại học Việt Nam và 2.890 thế giới.

Top 500 thế giới có 2 trường đại học của Việt Nam là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 427 thế giới) và Trường ĐH Duy Tân (vị trí 446 thế giới).

Top từ 1.000 đến 2.000 Việt Nam có các trường: ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Top từ 2.000 đến 3.000 có các trường: ĐH Huế, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Thủy Lợi.

Bảng Xếp hạng URAP năm 2022 có 3.002 trường đại học trên thế giới được xếp hạng, tăng 2 trường so với năm 2021.

Top 10 các trường đại học thế giới gồm:

1. ĐH Harvard (Hoa Kỳ)

2. ĐH Toronto (Canada)

3. ĐH London (Anh quốc)

4. ĐH Stanford (Hoa Kỳ)

5. ĐH Oxford (Anh quốc)

6. ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ)

7. ĐH Cambridge (Anh quốc)

8. ĐH Michigan (Hoa Kỳ)

9. ĐH Washington, Seattle (Hoa Kỳ)

10. ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)

Ở Đông Nam Á, nếu tính số lượng trường được xếp hạng thì Malaysia dẫn đầu khu vực với 31 trường, trong đó có ĐH Malaya lọt vào Top 300 (cụ thể xếp ở vị trí 265 thế giới). Tiếp theo là Thái Lan với 21 trường.

Vị trí thứ 3 thuộc về Việt Nam, với 17 trường vào bảng xếp hạng này. Mặc dù Singapore chỉ có 7 trường được xếp hạng, nhưng có tới 2 trường lọt vào Top 100, đó là ĐH Quốc gia Singapore (vị trí 27 thế giới) và ĐH Công nghệ Nanyang (vị trí 60 thế giới). Philippines có 6 trường và Brunei có 2 trường được xếp hạng.

URAP sử dụng dữ liệu về thành tựu học thuật của tất cả các ĐH do Web of Sciences thống kê để thực hiện xếp hạng.

Các tiêu chí về số lượng, chất lượng công trình khoa học, chỉ số trích dẫn và ảnh hưởng khoa học đều chiếm trọng số lớn trong quá trình đo lường.

Hệ thống này không dùng số liệu do các đại học tự cung cấp, cũng không dựa trên kết quả bầu chọn của các chuyên gia. Những điều này làm cho kết quả xếp hạng trở nên khách quan xét trên phương diện học thuật.

Nguồn: tienphong.vn

Tin mới