Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

17 lần ra Trường Sa trồng rau cho chiến sỹ

(VTC News) -

Trồng rau, đưa bò, vịt biển và gà ra nuôi… là công việc vị chuyên gia nông nghiệp thực hiện suốt 10 năm qua để nâng cao đời sống cán bộ chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.

TS Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Bộ NN & PTNT) - đơn vị trực tiếp chuyển giao mô hình trồng rau xanh công nghệ cao cho các đơn vị bộ đội thuộc Quần đảo Trường Sa trả lời phỏng vấn VTC News về câu chuyện thú vị xung quanh việc phủ xanh các đảo ở Trường Sa trong 10 năm qua.

- Cơ duyên nào khiến ông gắn bó với các đảo ở Trường Sa đến vậy?

Năm 2005, Bộ Tư lệnh Hải Quân giao cho Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, chi nhánh phía Nam nhiệm vụ nghiên cứu trồng rau cho bộ đội ở Trường sa. Theo đó, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam xây dựng và thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và kỹ thuật trồng rau năng suất cao cho Quần Đảo Trường Sa” thời gian 22 tháng, từ tháng 11/2006 đến tháng 8/2008.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng thành công nhà màng chuyên cho trồng rau trong điều kiện biển đảo và 2 loại khay trồng rau, đồng thời hướng dẫn bộ đội trồng rau trong nhà kính, dùng giá thể thay cho đất với hệ thống tưới tiết kiệm. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài đã giới thiệu 14 loại rau có thể trồng theo kỹ thuật mới đạt năng suất 3-4 kg/m2 trong điều kiện rất khó khăn, xử lý nước tắm giặt lần hai để tưới rau, vì khi đó nước ngọt trên các đảo còn rất thiếu.

Màu xanh trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Huỳnh Văn Truyền).

Đề tài đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ Quân chủng Hải quân nghiệm thu ngày 3 tháng 11 năm 2008 với kết quả loại giỏi. Đề tài cũng đã đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo TP. HCM và giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo toàn quốc (VIFOTEC) năm 2010.

Khi chương trình phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga kết thúc, Bộ NN & PTNT giao Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam phụ trách toàn bộ chương trình hỗ trợ bộ đội Hải quân đóng trên các đảo ở Trường Sa việc trồng trọt và chăn nuôi.

Trên cở sở đạt được của đề tài nêu trên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam tiếp tục thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” giai đoạn từ năm 2012-2017, Dự án TS 01 giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án Khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa” giai đoạn từ năm 2019-2021. Dự án đã tác động tích cực đến hoạt động trồng trọt và chăn nuôi trong hệ thống quần đảo, thông qua việc cung cấp thực phẩm, chất xanh góp phần cải thiện nhu cầu vật chất cho chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

Ngoài ra, chúng tôi còn đưa bò ra đảo Song Tử Tây, đưa vịt biển và gà ra nuôi tại các điểm đảo, hàng năm cử cán bộ thú y ra tiêm phòng cho tất cả vật nuôi trên Quần đảo Trường Sa. 

- Sống và sinh hoạt cùng chiến sĩ trên các đảo trong khoảng thời gian dài, những ký ức nào khiến ông không thể quên?

Tôi may mắn được ra công tác ở Trường Sa tới 17 lần trong 10 năm, mỗi lần đều có ấn tượng, kỷ niệm riêng, và cảm xúc không phải lần nào cũng giống lần nào. Năm 2012, tôi làm việc ở Trường Sa tới 3 tháng 10 ngày. Được sống cùng cán bộ, chiến sĩ, tôi mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của họ.

Ngày xưa, rau xanh ở trên đảo rất hiếm. Để mùa mưa bão cũng có rau xanh, chúng tôi phải nghiên cứu việc trồng rau trong những chạn bát, sau đó đưa khay trồng rau ra đảo, rồi bắt đầu hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ ủ giá.

Màu xanh trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Huỳnh Văn Truyền).

Trên các đảo mưa gió ầm ầm nhưng vẫn thiếu nước ngọt để dùng vì nước đó đã nhiễm mặn, không thể ăn được. Đặc biệt, từ tháng 6 trở đi, sóng biển thường đánh trùm qua cả mái nhà ở các đảo chìm. Bởi vậy, cửa các công trình trên đảo chìm thường đóng kín suốt ngày.

Tôi ấn tượng nhất khi đến quần đảo Trường Sa là việc các chiến sĩ và người dân từng phải sử dụng thịt hộp 100%. Bản thân tôi cũng từng trải nghiệm điều đó trong lần ra đảo ở cùng các chiến sĩ dài ngày. Tuần đầu thấy ngon lắm, nhưng từ ngày thứ 8 trở đi, cứ mở thịt hộp ra là không muốn ăn, thậm chí chỉ nhìn thôi đã thấy sợ.

Vì vậy, việc đảm bảo thức ăn tươi cho cán bộ chiến sĩ trên các đảo rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn ngày càng đưa được nhiều cây, rau xanh, vật nuôi ra đảo.

- Kết quả nghiên cứu và thử nghiệm các cây trồng, vật nuôi trên quần đảo Trường Sa đạt kết quả thế nào, thưa ông?

Thành quả chính là rau cải xanh, cải ngọt, mùng tơi, rau muống, rau dền, mướp, bầu bí sống tốt trên Quần đảo Trường Sa. Năng suất rau xanh ngày trước chỉ từ 1 - 2 kg/m2/vụ, giờ đã đạt được từ 3 - 4 kg/m2/vụ trồng 2 tháng. Đặc biệt, đối với những điểm đảo chìm, trước kia bộ đội chủ yếu dùng khay gỗ để trồng rau, nhưng chúng tôi đã nghiên cứu ra vật liệu thay thế là composite để chịu được điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, chống lại các yếu tố như nắng, gió, nước mặn.

Trước đây, các chiến sĩ thường dùng các lồng chụp bằng inox, nhưng việc sử dụng các tấm composite và phía trên lợp một lớp lưới sẽ giúp tận dụng được nước mưa. Đối với quân dân trên đảo, nước mưa quý như máu vậy.

Rau xanh trên đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Huỳnh Văn Truyền).

- Để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa, ông và các cộng sự đã làm cách nào để đưa cây, rau xanh ra đảo?

Trên các đảo là cát san hô nhiễm mặn. Không có bất cứ một cây trồng nào có thể mọc ở trên đó. Vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu các giải pháp cải tạo cát san hô và đưa hạt giữ ẩm để ngậm nước trong mùa mưa, các hạt này ngậm nước ở trong lên đến 100 lần, đến mùa khô cây trồng có thể lấy nguồn nước từ đó. Trên các điểm đảo, hiện nay chúng tôi trồng được 16.700 cây xanh các loại, các giống cây này đang sinh trưởng và phát triển tốt như trồng ở đường phố trong đô thị.

Hàng năm, chúng tôi đều xây dựng những các nhà lưới trồng rau cho các điểm dảo và đến thời điểm này các nhà lưới đã được thiết kế, cải tạo ba lần để phù hợp với môi trường khắc nghiệt của biển đảo. Hiện nay, tất cả là dạng nhà lưới công nghệ cao. Có nhà lưới, bộ đội sẽ sản xuất được rau xanh quanh năm. Số vụ rau cũng tăng. Trước kia, chúng ta chỉ trồng được khoảng 4 vụ rau lá, vì từ tháng 8 đến tháng 10 là thời gian biển động rất mạnh, hầu hết cây trồng ở ngoài đảo đều bị táp lá. Vì vậy, chúng tôi quyết định đưa cây rau vào trong nhà lưới. Điều đó giúp sản xuất được từ 6 - 8 vụ/năm và năng suất vẫn ổn định.

Cơn bão năm 2020 rất to, gió mạnh như thế nhưng tất cả nhà lưới ở đảo Song Tử Tây chỉ bay mất hệ thống lưới, còn khung nhà vẫn vẹn nguyên. Ngoài ra, các nhà ở đảo Sinh Tồn xây dựng cách đây 10 năm, gặp 3 trận bão lớn rồi nhưng vẫn giữ vững.

Trẻ em vui chơi dưới bóng cây xanh mát trên đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Huỳnh Văn Truyền).

- Chắc hẳn ông và các cộng sự cũng gặp không ít lần thất bại?

Đúng thế! Đến hôm nay có kết quả như vậy không phải cái gì cũng thành công. Đó là quá trình thử nghiệm lâu dài. Vì vậy, những gì không phù hợp chúng tôi bỏ ngay, không cố bám theo, bởi chúng tôi đi thực tế, đặc biệt vào tháng 10 là có thể đánh giá được hiệu quả cây trồng, rau xanh đó có phù hợp hay không.

Chúng tôi đã từng thử nghiệm mang tre ra đảo Trường Sa Lớn, từ tre gai, lồ ô, tre vàng. Nhưng dù là cây chịu hạn rất tốt nhưng tre không thể phát triển ở Trường Sa.

Nhà lưới để trồng rau trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Phạm Thịnh).

- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với ông trong những ngày tháng công tác tại Trường Sa?

Khi được sống và làm việc tới 3 tháng 10 ngày cùng cán bộ chiến sĩ, tôi mới thấy được đóng góp to lớn của họ, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Cuộc sống trên các đảo rất thú vị. Mọi người san sẻ công việc vất vả, chăm lo nhau từng bữa ăn giấc ngủ như anh em trong gia đình. Các chiến sĩ trẻ mới ra Trường Sa đều được động viên để vượt qua giai đoạn khó khăn đầu tiên.

Khi đã hiểu nhau rồi, chúng tôi rất dễ chia sẻ. Giờ đây, hàng tuần, hàng tháng anh em đều gọi điện thoại cho nhau, hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc. Tôi có nhiều kỷ vật từ Trường Sa, có khi là hòn đá có chữ Bình an được sư thầy trên đảo Trường Sa viết tặng, có khi chỉ là vỏ ốc, hay cây hoa ốc biển được các chiến sĩ tặng. Mỗi khi nhớ Trường Sa tôi lại mang ra ngắm.

X

Các chiến sĩ trồng và chăm sóc rau trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Phạm Thịnh).

X

Các chiến sĩ trồng và chăm sóc rau trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Phạm Thịnh).

X

Các chiến sĩ trồng và chăm sóc rau trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Phạm Thịnh).

- Chắc hẳn ông và gia đình phải hy sinh rất nhiều để ông có thể làm tốt công việc này?

Nói hy sinh thì hơi quá, nhưng để đi công tác ở Trường Sa như này, tôi có sự hỗ trợ rất lớn của gia đình. Vì tôi thường xuyên đi công tác, vợ tôi ở nhà sẽ phải vất vả hơn trong việc chăm lo gia đình, chăm sóc con cái.

Có câu chuyện tôi không thể nào quên. Đó là vào năm 2012, con tôi bị ngã và chấn thương rất nặng, nhưng vợ tôi không báo để tôi yên tâm công tác ở Trường Sa. Sau hơn 3 tháng, tôi trở về nhà mới biết chuyện. Tôi rất xúc động. Còn bố tôi thì bảo: "Con phục vụ cho Tổ quốc, cho quân đội, nên những người ở nhà dù có bất kỳ khó khăn gì cũng sẽ hỗ trợ cho con hết".

Nếu không có gia đình đứng sau ủng hộ, tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Và, nhờ có gia đình hỗ trợ, giúp đỡ, nên tôi có thể xách ba lô lên đi công tác bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh

Tin mới