Lá cờ đỏ sao vàng được mang về từ Trường Sa và được Trần Đặng Đăng Khoa đem đi vòng quanh thế giới rồi lại quay trở lại Trường Sa. (Ảnh: Phạm Thịnh).
Trần Đặng Đăng Khoa được nhiều người biết đến là chàng trai Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy. Anh cũng là người thứ 2 trong lịch sử chương trình "Ai là triệu phú" phiên bản Việt chạm tới câu hỏi 15 vào số phát sóng đầu năm 2021.
Hành trình khám phá thế giới, khám phá Việt Nam và cảm nhận con người, nền văn hóa khắp nơi đã mang lại cho chàng trai sinh năm 1987 ở Tiền Giang nhiều trải nghiệm thú vị.
Vào tháng 6/2017, Đăng Khoa bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới của mình tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) bằng chiếc xe Wave đời 2008. Với nhiều người, đó là chuyến đi viển vông, nhưng đối với Đăng Khoa đó là hành trình anh đã ước mơ hơn 20 năm trước.
“Khi nghe về ý tưởng của mình, nhiều người cho rằng mình quá mơ mộng, phiêu lưu và không tin rằng có thể làm được. Nhưng rồi mình vẫn quyết tâm thực hiện”, phượt thủ 8X tâm sự.
Dù lường trước được vô vàn khó khăn sắp phải đối mặt nhưng với tinh thần “cứ đi sẽ tới”, Khoa chấp nhận đối mặt với những khó khăn phía trước. Nói là làm, Khoa bắt tay vào thực hiện ý tưởng có phần “điên rồ” của mình.
Bí quyết để đi một mình vòng quanh thế giới được chàng trai 8X đúc rút trong hai chữ "liều lĩnh và điên rồ" cộng thêm bề dày kinh nghiệm đã được trang bị trong các chuyến đi phượt khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lá cờ đã cùng Khoa đi qua chặng đường khoảng 80.000 km, qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, 8 lần băng qua đường xích đạo. Lần này, lá cờ Tổ quốc một lần nữa được tung bay trong gió, trong nắng ở Trường Sa.
Ngoài vật dụng cá nhân, hành trang anh mang theo trong suốt chuyến đi lá quốc kỳ quý giá, tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam. Lá cờ như tiếp thêm cho anh sức lực để hoàn thành hành trình đầy khó khăn phía trước.
Lá cờ đã cùng anh đi qua chặng đường khoảng 80.000 km, qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, 8 lần băng qua đường xích đạo.
Trong hơn 1.000 ngày, Khoa đã đi đến tất cả châu lục, gồm cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại dương, châu Phi với chặng đường bằng 2 lần chu vi Trái Đất, tới những nước phát triển ở Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ hay đến những nước nghèo khó ở châu Phi, châu Đại Dương rồi cả những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland.
Bỏ qua hoài nghi của nhiều người về chuyến đi viển vông, Khoa đã chạm tay tới ước mơ được nuôi dưỡng suốt 20 năm. Hàng trăm nghìn người say mê, hồi hộp theo dõi hành trình đầy hấp dẫn, thú vị và tràn ngập những điều mới mẻ mà Đăng Khoa chia sẻ mỗi ngày.
Tại mỗi địa điểm nổi tiếng khác nhau trên thế giới chàng phượt thủ 8X lại mang lá cờ Tổ quốc ra để cùng lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Ở những nơi đó, Trần Đặng Đăng Khoa thường giới thiệu lá cờ đỏ sao vàng, giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế.
Trải qua hơn 1.000 ngày chu du khắp thế giới, lá cờ đỏ sao vàng dù đã bị sờn mép, sứt chỉ, nhưng vẫn được Đăng Khoa mang theo bên mình. Và lần này, lá cờ Tổ quốc cùng Khoa tham gia vào một hành trình đặc biệt nhất cuộc đời anh. Đó là hành trình mang lá cờ từ Trường Sa trở lại Trường Sa.
Video: Lời tự sự giữa Biển Đông
Trong chuyến đi của Đoàn công tác số 8 đến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, nhiều thành viên trong đoàn rất ấn tượng với hành trình quay trở lại Trường Sa của lá cờ Tổ quốc mà Khoa luôn mang theo mình.
Chia sẻ với phóng viên VTC News, Đăng Khoa kể rằng, lá cờ đặc biệt này được một người bạn mang về từ đảo Phan Vinh (Trường Sa), sau đó đã đồng hành cùng anh đi vòng quanh thế giới.
“Lá cờ Tổ quốc đã cùng mình đi khắp thế giới và giúp mình kết bạn với rất nhiều người. Lá cờ đó trước đây đã ở đảo Trường Sa. Trước khi mình đi vòng quanh thế giới, một người bạn đã tặng mình và có chữ ký của các chiến sĩ ở đảo Phan Vinh. Và bây giờ, lá cờ Tổ quốc lại trở về Trường Sa”, Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ.
Lá cờ Tổ quốc đã cùng mình đi khắp thế giới và giúp mình kết bạn với rất nhiều người.
Trần Đặng Đăng Khoa
Chàng phượt thủ luôn mang theo bên mình là cờ Tổ quốc với sự tự hào vì đó là lá cờ kiên cường trong gió cát, thấm đẫm vị mặn Biển Đông, là quyết tâm gìn giữ lãnh hải, lãnh thổ Tổ quốc của những chiến sĩ ngoài đảo xa.
Trong suốt Hải trình Trường Sa 2022, Đăng Khoa đã mang theo lá cờ đặc biệt này lên trên các điểm đảo nơi anh có cơ hội được ghé thăm. Lá cờ Tổ quốc một lần nữa được tung bay trong gió, trong nắng ở Trường Sa.
Đảo Trường Sa lớn quanh năm cây cối xanh tốt. (Ảnh: Nghệ sĩ Huỳnh Văn Truyền).
Chàng phượt thủ 8X chia sẻ từng đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, có hai nơi Khoa luôn khao khát được đặt chân đến là hang Sơn Đoòng và quần đảo Trường Sa. Năm 2021, Khoa đã có may mắn khi được khám phá hang Sơn Đoòng với đầy trải nghiệm.
Và phải đến tận tháng 5/2022, Khoa tự nhận mình là người “vô cùng may mắn” khi được cùng Đoàn công tác số 8 đến thăm các đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK1.
“Trước giờ, mình từng đi tàu băng qua biển Đen, qua vùng biển Bắc Băng Dương lạnh giá bên kia vành đai Bắc Cực, hay lên tàu đi Nam Cực, lục địa thứ 7 thế giới, đi tàu qua các vịnh biển nhỏ lớn hay sông rạch khác. Nhưng thật sự mình chưa bao giờ có chuyến hải hành lâu và xa như vậy, được đến một nơi thiêng liêng và mong chờ lâu như thế, nơi đón bình minh đầu tiên của Tổ quốc”, Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ.
Lá cờ đặc biệt được Trần Đặng Đăng Khoa đem ra giới thiệu với kiều bào khắp nơi trên thế giới cùng tham gia chuyến Hải trình Trường Sa 2022. (Ảnh: Phạm Thịnh).
Chàng trai không giấu được sự hạnh phúc vì được tham gia vào chuyến đi này.“Trường Sa là nơi cuối cùng của Việt Nam mình chưa đến và mong muốn được một lần đặt chân tới. Những nơi khác mình có thể đi bất kì lúc nào, nhưng Trường Sa không phải muốn đi lúc nào cũng được”, Khoa chia sẻ.
Khép lại một hành trình đẹp, chàng phượt thủ 8X chia sẻ Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam và nơi khí hậu cũng rất khắc nghiệt, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ còn nhiều khó khăn. Họ đã phải hy sinh hạnh phúc bản thân, hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ biển đảo quê hương.
“Ra thăm Trường Sa, mình cảm nhận được những khó khăn của các anh em chiến sĩ ngoài đảo đang ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc”, Khoa nói. Trong mắt Khoa, các chiến sĩ trẻ rất dễ thương, chân tình và cũng cháy bỏng quyết tâm giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.
Thông qua những câu chuyện, những hình ảnh ghi nhận được trong chuyến đi lần này, Trần Đặng Đăng Khoa mong muốn mọi người có thể hiểu được khó khăn, vất vả của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.
Nói về dự định việc sử dụng lá cờ, Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ rằng ở các sự kiện ra mắt sách hoặc giao lưu, anh sẽ mang lá cờ Tổ quốc ra và kể câu chuyện về hành trình đặc biệt này cho mọi người. Thậm chí, trong tương lai, anh có thể tặng lá cờ này cho bảo tàng, để thêm nhiều người biết về câu chuyện lá cờ Tổ quốc từ Trường Sa đi vòng quanh thế giới rồi lại trở về Trường Sa.