Bitcoin xuất hiện tín hiệu suy yếu và đang trong hành trình tìm đáy mới. 6h30 ngày 22/5, tiền ảo hàng đầu về vốn hóa giao dịch mức 9.093 USD, giảm 4,65%, tương đương mỗi coin mất 443 USD. Trong 24 giờ gần nhất, Bitcoin giao dịch thấp nhất tại 8.806 USD, cao nhất tại 9.572 USD – mức giá khiến đa số nhà đầu tư thất vọng.
Bitcoin lao dốc do các nhà đầu tư hoảng loạn trước việc tài khoản nghi của Satoshi Nakamoto giao dịch 50 BTC cổ xưa.
Theo CoinMarketCap, khối lượng Bitcoin giao dịch trong 24 giờ gần nhất đạt 39,4 tỷ USD, vốn hóa đạt 167 tỷ USD, giảm 8 tỷ USD.
Nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp nhận định Bitcoin đang có dấu hiệu suy yếu, điều này có thể dẫn đến một đợt sụt giảm giá trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính có thể bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư hoảng loạn sau khi 50 Bitcoin được đào từ 9/2/2009 được đem ra giao dịch. Đây chính là số Bitcoin được đào không lâu sau khi Satoshi Nakamoto sáng lập nên mạng lưới đào Bitcoin.
Đáng chú ý, số Bitcoin “nguyên thủy” này được chuyển vào một ví điện tử và nằm im ở đó suốt 11 năm nay.
Nhiều nhà giao dịch cho rằng số Bitcoin này có thể của Satoshi Nakamoto – người được cho là cha đẻ của Bitcoin. Do đó, việc một lượng Bitcoin cổ xưa như trên được đem ra giao dịch khiến giới tiền ảo xôn xao, phải chăng Satoshi Nakamoto đã "hồi sinh"?
Những suy đoán về nguồn gốc cùng lý do giao dịch số Bitcoin trên tác động tiêu cực đến tâm lý chung của thị trường, khiến Bitcoin giảm gần 500 USD chỉ sau 15 phút.
Bitcoin lao dốc tạo hiệu ứng dây chuyền kéo loạt tiền ảo khác rơi tự do. Ethereum hiện giao dịch mức 200,1 USD mất 4,85%, vốn hóa ở mức 22,2 tỷ USD.
Ripple mất 3,1% giao dịch mức 0,195 USD và bị Tether soán vị trí thứ 3 về xếp hạng vốn hóa trên CoinMarketCap.
Bitcoin Cash giảm 4,5% về 229 USD, vốn hóa bị đẩy xuống 4,2 tỷ USD.
Tương tự Bitcoin SV giảm 1,2%, Litecoin giảm 3,1%, Binance Coin giảm 4,5%...
Tổng vốn hóa thị trường ghi nhận mức 251 tỷ USD, giảm hơn 9 tỷ USD.
Tại Việt Nam giá Bitcoin đang giao dịch mức 213 triệu đồng, giảm 4,28%.
Bitcoin từng đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2017 với gần 20.000 USD. Tuy nhiên, tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường giảm giá không phanh xuống 3.200 USD vào 2018. Tiền điện tử tiếp tục trải qua năm 2019 với nhiều biến động. Giá trị có lúc được đẩy lên ngưỡng 14.000 USD song đà tăng không giữ được và liên tiếp trượt dốc, nhiều thời điểm xuống 6.000 USD.
Từ đầu tháng 2/2020 Bitcoin và nhiều tiền ảo đã tăng mạnh kể từ khi dịch bệnh COVID-19 lây lan ra nhiều nước. Tuy nhiên sau khi vượt được ngưỡng 10.000 USD thì bắt đầu suy yếu khi nhà đầu tư bán ra chốt lời.
Dù vậy nhiều thông tin hướng đến tiền số gần đây cho thấy chính phủ nhiều nước đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc giá Bitcoin và các đồng tiền ảo khác vẫn tăng trong tương lai.
Tại Việt Nam, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu của Bộ Tài chính về tài sản ảo, tiền ảo.
Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Tổ nghiên cứu được thành lập trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Tổ nghiên cứu gồm 9 thành viên, do ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước làm tổ trưởng. Các thành viên còn lại thuộc Ủy ban chứng khoán, Vụ chính sách (Tổng cục Thuế), Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ pháp chế, Cục giám sát quản lý về hải quan, Viện Chiến lược và chính sách tài chính.