Sáng 7/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau hơn 3 ngày phát động có 17 người đăng ký tình nguyện tham gia hiến tặng huyết tương để phục vụ cho công tác nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona.
Trong số 17 trường hợp có 2 người là nhân viên y tế, 1 là bác sĩ khoa Cấp cứu của bệnh viện, anh N.X.T. Người còn lại là nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai.
Đại diện bệnh viện cũng cho biết, tới thời điểm hiện tại có 2 người đủ điều kiện hiến huyết tương là một phụ nữ 39 tuổi và bác sĩ T.
Theo TS. BS Văn Đình Tráng - Phụ trách Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cả hai trường hợp này từng là bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi. Trong đó, bác sĩ T. bị lây nhiễm virus corona khi đang điều trị cho bệnh nhân. Anh cũng là người đầu tiên tình nguyện xin hiến tặng huyết tương để phục vụ cho nghiên cứu và giúp đỡ các bệnh nhân nguy kịch.
Việc dùng huyết tương của người khỏi bệnh sử dụng trong nghiên cứu, điều trị cho bệnh nhân đang mắc bệnh xuất hiện từ năm 2003, thời điểm các bệnh như sởi, cúm và SARS… bùng phát.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ dùng kháng thể của người khỏi bệnh để chống lại tác nhân xấu, qua đó phòng ngừa và điều trị một bệnh truyền nhiễm. Nói cách khác đây là phương pháp điều trị duy nhất cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus, ngăn bệnh diễn biến nặng hơn.
Các bác sĩ đang chiết tách huyết tương của người khỏi COVID-19.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị căn bệnh này. Mặc dù trên thế giới có rất nhiều quốc gia nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại thuốc và bằng nhiều cách khác nhau nhưng vẫn không có tác dụng nhiều trong điều trị và dự phòng COVID-19. Còn huyết tương của người khỏi COVID-19 có chứa rất nhiều kháng thể trung hòa virus corona đã được thử nghiệm ở nhiều nước và bước đầu cho thấy hiệu quả với bệnh nhân nặng.
“Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy khoảng 600ml huyết tương từ người hiến tặng (người đã khỏi bệnh COVID-19). Số huyết tương này sẽ được phục vụ cho nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Để đảm bảo sức khỏe của người hiến tặng, bác sĩ sẽ dùng dung dịch huyết thanh sinh lý bù lại lượng huyết tương của người đó”, BS Tráng nói.
Theo BS Tráng, để đảm bảo việc hiến/nhận huyết tương theo đúng quy định, quy trình, người hiến tặng sau khi hoàn tất thủ tục sẽ được xét nghiệm và sàng lọc kỹ. Nếu đáp ứng đủ các tiểu chuẩn thì sẽ được hiến huyết tương.
Điều kiện cơ bản để hiến huyết tương đó là người từ 18-65 tuổi, nặng trên 50kg đối với nam, 45kg với nữ và từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh. Những người này cũng chỉ được đăng ký sau khi đã xuất viện đủ 14 ngày và làm các xét nghiệm sàng lọc các bệnh truyền nhiễm khác.
"Đối với người nhận, bệnh nhân phải là người đang mắc COVID-19 có tuổi từ 18-75 đáp ứng đủ tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu đã đề ra. Người hiến tặng có thể chủ động liên hệ tới đường dây nóng 19003228 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để được tư vấn, giải đáp. Việc hiến này là hoàn toàn tự nguyện”, BS Tráng nói.
Video: Việt Nam sẽ hoàn thiện vaccine COVID-19 vào đầu năm 2021