Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiết tách huyết tương - hướng điều trị mới cho bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam

(VTC News) -

Huyết tương người khỏi bệnh chứa kháng thể hiệu giá cao nên khi truyền vào cơ thể bệnh nhân nặng, kháng thể phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt virus.

Ngày 8/4, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân nặng theo phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.

Bộ giao Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cùng phối hợp với một số đơn vị xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người khỏi bệnh COVID-19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được giao làm đầu mối xây dựng dự thảo Hướng dẫn sử dụng huyết tương tiếp nhận từ người điều trị khỏi COVID-19 để điều trị cho người bệnh thể nặng.

Các túi máu toàn phần sau khi li tâm sẽ phân tách ra được nhiều phần trong đó có huyết tương. (Ảnh: BVCC)

Về vấn đề này, theo TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, từ nhiều năm nay, huyết tương từ những người khỏi bệnh được sử dụng để điều trị giảm các triệu chứng và khả năng thiệt mạng của một số bệnh lây nhiễm như: Ebola, SARS, MERS và cúm H1N1….

Tuy nhiên, không phải thử nghiệm nào cũng cho kết quả khả quan. Minh chứng là với virus Ebola, vừa qua, các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra kết luận việc dùng huyết tương từ người khỏi bệnh không cho thấy hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola.

Theo TS Khánh, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và thế giới hiện nay còn phức tạp. Bởi bệnh chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, thời gian gần đây, một số quốc gia đã thử nghiệm phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 bằng huyết tương được lấy từ người bệnh sau khi đã khỏi bệnh.

Các nước thử nghiệm phương pháp này như Canada, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… bước đầu đã cho thấy hiệu quả.

Huyết tương tươi, đông lạnh được lưu trữ tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Tuy những thử nghiệm trên thế giới vẫn còn ít, hiệu quả chưa thực sự rõ rệt do người bệnh nặng cũng cần kết hợp điều trị bằng các phương pháp khác, nhưng nghiên cứu mở thêm cơ hội về hướng điều trị cho bệnh nhân nặng mắc COVID-19, trong đó có Việt Nam.

Trên thế giới, Hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người được điều trị khỏi bệnh COVID-19 gồm các nội dung: Tiêu chuẩn của người hiến; cách thức liên lạc, vận động người hiến; các yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình tiếp nhận, điều chế, xử lý và bảo quản huyết tương…

Theo đó, các túi máu toàn phần sau khi được li tâm sẽ được phân tách thành từng thành phần của máu: các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Huyết tương có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước; ngoài ra còn có thành phần khác như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng…; huyết tương chiếm khoảng 53% – 63% trong máu.

Qua nghiên cứu, sàng lọc, xử lý, huyết tương sẽ được tính toán để truyền vào cơ thể bệnh nhân mắc COVID-19 nặng hỗ trợ điều trị.

“Huyết tương của người khỏi bệnh có chứa kháng thể với hiệu giá cao chống lại virus corona. Khi truyền vào cơ thể bệnh nhân nặng (có tải lượng virus cao), kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt virus ở bệnh nhân.

Tuy nhiên, đây là biện pháp mới với nước ta trong điều trị COVID-19 nên cần được nghiên cứu từ các cách thu thập an toàn và đảm bảo chất lượng trong quá trình xử lý, bảo quản, cung cấp, đến việc chỉ định hợp lý và sử dụng lâm sàng một cách hiệu quả. Vì vậy trong khi các hướng dẫn và thử nghiệm ở các nước còn chưa đầy đủ thì rất cần sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị”, BS Khánh nói.

Theo Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hiện các bệnh viện ở nước ta được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đang khẩn trương nghiên cứu các tài liệu của thế giới, xây dựng dự thảo hướng dẫn và đề xuất phương án cụ thể cho phương pháp điều trị mới này tại Việt Nam.

Video: Cuộc sống bên trong vùng tâm dịch Hạ Lôi những ngày cách ly

Phạm Quý

Tin mới