Có những cán bộ, chiến sĩ thầm lặng ngày đêm, sát cánh cùng quần chúng nhân dân tạo thành vành đai lửa vững chắc ngăn chặn làn sóng nhập cảnh trái phép qua biên giới Lào Cai – cửa ngõ quan trọng của Tổ quốc.
Xuyên đêm đánh án
Đêm 30/7 vừa qua, sau thời gian dài đấu tranh, 2 đối tượng cầm đầu trong đường dây đưa người Trung Quốc vượt biên nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tuyến biên giới Lào Cai cuối cùng đã sa lưới. Tới lúc đó, Trung tá Đỗ Hoài Nam, Đội trưởng Đội An ninh - Công an thành phố Lào Cai, người theo đuổi chuyên án từ những ngày đầu tiên mới có thể tạm thở phào nhẹ nhõm.
Xe ô tô chở các đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép đi TP.HCM bị ngăn chặn đêm 27/7.
Theo Trung tá Nam, mắt xích quan trọng quyết định thành công của chuyên án là vào đêm 27/7, khi 2 xe ô tô trong đường dây chở 10 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để đi TP.HCM nhưng bị Công an thành phố Lào Cai và các lực lượng phối hợp kịp thời ngăn chặn.
“Để phá được mắt xích đó, tính cả thời gian mật phục, bắt giữ và khai thác các đối tượng, mình và anh em mất 3 đêm thông không ngủ. Còn từ đầu mùa dịch đến giờ đốt đêm thì nhiều, ai gan yếu không theo được”, Trung tá Nam vừa nói vừa chìa những nốt nhiệt mọc đầy trong miệng do công việc giờ giấc xáo trộn thời gian dài.
Bóc gỡ thủ đoạn đưa người tinh vi
Qua lời kể của vị Đội trưởng trẻ tuổi, đường dây bóc gỡ vừa qua là chuyên án liên quan hành vi đưa người nhập cảnh trái phép thứ hai bị Công an thành phố Lào Cai triệt phá cùng trong tháng 7/2019.
Tuy nhiên, để có được thành tích đó không hề đơn giản, từ quá trình mật phục, đeo bám nhiều ngày tháng và trên cơ sở điều tra, khai thác sâu mới thấy hoạt động của các đối tượng rất tinh vi.
Các đối tượng vượt biên qua suối sau đó leo đồi xuống quốc lộ bắt taxi.
Dựng lại hiện trường taxi trung chuyển những kẻ vượt biên ra thành phố Lào Cai đón xe.
“Thứ nhất, những kẻ đưa người không bao giờ đi ban ngày, đi trên đại lộ lúc trời quang mây tạnh mà thường băng rừng, vượt núi, qua sông, suối hiểm trở. Thứ hai, chúng thường chọn khi thời tiết mưa mù, lợi dụng đêm tối, thời điểm các lực lượng tuần tra sơ hở như lúc giao ca, ăn cơm… Và đặc biệt, chúng luôn nắm rất rõ các chốt chặn bố trí ở đâu để né tránh hoặc đánh lạc hướng”, Trung tá Nam cho hay.
Thực tế cũng không ít lần, các lực lượng bị những đối tượng đưa người qua mặt mà không đón bắt được, phần vì có sự tiếp tay của đối tượng “thổ công” là cư dân bản địa, phần vì thành phố Lào Cai là cửa ngõ biên giới, nằm ở điểm đầu các tuyến quốc lộ 70, 4D và cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi các tỉnh thành khác nhưng cung đường di chuyển qua lại rất ngắn, nếu không xác định đúng đối tượng thì sẽ nhanh chóng bị bỏ lọt.
Như chuyên án mới đây vừa triệt phá, các đối tượng trước khi bị ngăn chặn đã đưa đường trót lọt cho 40 người Trung Quốc vào TP.HCM. Kết quả điều tra cho thấy, nhóm người cầm đầu trước kia từng hợp tác, giao lưu, làm ăn với phía Trung Quốc nên có mối quan hệ rộng rãi với người Trung; toàn bộ quá trình tổ chức đưa người qua biên rồi đi sâu vào nội địa đều được điều phối chặt chẽ từ xa qua điện thoại bởi nhóm cầm đầu ở hai bên biên giới; còn những người phụ trách khâu trung gian thì chỉ khâu nào biết khâu đó.
Quyết liệt, công minh và nhân văn
Theo Trung tá Nam, quan điểm trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng an ninh – Công an thành phố Lào Cai luôn đặt ra mục tiêu đấu tranh quyết liệt, nhưng phải đúng pháp luật, khách quan, công minh và nhân văn. Gắn với chuyên án ngăn người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua tuyến biên giới Lào Cai cũng vậy.
Qua khai thác các đối tượng cho thấy, động cơ để hình thành các đường dây đưa người xuất phát từ tâm lý hám lợi. Chính thù lao quá hậu hĩnh nên các đối tượng dù biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp. Chỉ tính riêng tiền hoa hồng cho taxi chở người Trung Quốc từ Lào Cai vào TP.HCM đã là 21 triệu đồng, không bao gồm xăng xe, phí cầu đường. Có lái xe còn lôi kéo thêm xe khác cùng chở và ăn tiền chênh lệch cũng đủ lãi lớn.
Bên cạnh đó, không ít người thừa nhận vì kinh tế khó khăn sau ảnh hưởng của đợt dịch trước mà lao vào; có người thấy dấu hiệu bất thường nhưng vì tiền mà cũng tặc lưỡi bỏ qua, không chủ động tố giác tới cơ quan chức năng. Một phần các đối tượng cũng vì tâm lý chủ quan, nghĩ rằng vùng dịch đang bùng phát ở sâu trong nội địa Trung Quốc nên không ảnh hưởng. Hoặc cho rằng bản thân những người Trung Quốc muốn thâm nhập vào Việt Nam cũng chui lủi bí mật, ít tiếp xúc với nhiều người nên nếu có nhiễm virus thì khả năng lây lan cũng không cao.
Còn đối với các đối tượng người Trung Quốc, mục tiêu vừa phải đón bắt, ngăn chặn bằng được, vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch và liên quan đến an ninh đối ngoại nên yêu cầu nhiệm vụ cũng rất cao. Sau khi ngăn chặn, lực lượng chức năng phải yêu cầu các đối tượng mang đầy đủ khẩu trang, găng tay; đồng thời phối hợp với đội ngũ y tế để khám sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng này. Củng cố đầy đủ kết quả điều tra xong sẽ bàn giao đối tượng cho phía bên kia biên giới để xử lý theo quy định.
Theo Thượng tá Đỗ Tuấn Sơn, Trưởng Công an thành phố Lào Cai, kết quả chống dịch rất tốt của Việt Nam trong thời gian qua là không thể phủ nhận, toàn quốc duy trì hơn 3 tháng không có ca mắc mới, tạo ra một môi trường an toàn cho khôi phục sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để cung ứng sản phẩm cho thị trường ngoài nước nhiều nơi đang bị đóng băng bởi COVID-19. Từ đó nảy sinh nhu cầu người ngoại quốc vào Việt Nam, tìm cách vượt qua hàng rào xuất nhập cảnh và cách ly với nhiều yêu cầu khắt khe.
Còn tại Trung Quốc, COVID-19 vẫn đang hoành hành, lũ lụt nặng nề tác động đến nhiều địa phương, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới nước này đang đẩy mạnh truy quét tội phạm khiến động cơ vượt biên vào Việt Nam của không ít đối tượng lại càng bức thiết.
“Những người có nhu cầu vào Việt Nam chủ yếu là dân làm ăn, buôn bán; lao động tay nghề cao; còn lại một bộ phận mượn đường sang nước thứ ba hoặc là các đối tượng vi phạm pháp luật từ bên kia biên giới tìm đường dạt sang Việt Nam”, Thượng tá Sơn cho biết.
Thượng tá Sơn phân tích, khi động cơ của các đối tượng đủ lớn để quyết tâm nhập cảnh trái phép bằng được vào Việt Nam né tránh sự kiểm soát thì vô hình trung tạo ra một làn sóng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, cộng với nguy cơ mang theo virus lây lan cho cộng đồng. Vì thế nhiệm vụ đặt ra cho Công an thành phố Lào Cai phụ trách địa bàn trọng yếu, cầu nối trung chuyển của nhiều loại hình tội phạm, trong đó có đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép là phải tạo dựng được vành đai lửa, phên dậu vững chắc, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân dân, ổn định an ninh chính trị - trật tự xã hội ở địa phương.
Thượng tá Đỗ Tuấn Sơn - Trưởng Công an thành phố Lào Cai.
“Để gây dựng vành đai vững chắc đó phải nhất quán trong chỉ đạo, thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng. Đặc biệt, phải nhận được ủng hộ từ quần chúng nhân dân. Trong các chuyên án đưa người nhập cảnh trái phép mà Công an thành phố vừa triệt phá có phần góp sức không nhỏ của những người dân trên địa bàn”, Thượng tá Đỗ Tuấn Sơn nhấn mạnh.
Hiện, Công an thành phố Lào Cai một mặt huy động lực lượng tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các vụ đưa người nhập cảnh phi pháp; một mặt rà soát toàn địa bàn, trường hợp phát hiện có người nước ngoài lưu trú trái phép sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Đại tá Lưu Hồng Quảng, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cho biết, từ tháng 3/2020 đến nay, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương liên quan (gồm Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, Công an các tỉnh Hà Giang, Khánh Hòa…) tổ chức tốt công tác nghiệp vụ.
Hiện nay, đang thụ lý, điều tra 5 vụ án với 11 bị can (1 vụ “Vi phạm quy định về xuất cảnh”; 2 vụ “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”; 2 vụ “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”) để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.