Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xuất hiện loại nấm đen chết người trong não bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ

(VTC News) -

Đại dịch COVID-19 không chỉ khiến hệ thống y tế của Ấn Độ điêu đứng mà còn tạo điều kiện cho một loại bệnh chết người khác lây lan.

Một loại nấm đen kí sinh ở não đang lan rộng trong các bệnh nhân dễ bị tổn thương ở Ấn Độ, đặc biệt là ở những người mắc COVID-19.

Hôm 9/5, Bộ Y tế Ấn Độ cảnh báo về sự gia tăng bất thường các ca bệnh nấm mốc ở não. Gần đây, khoảng 300 trường hợp được báo cáo ở bốn thành phố của bang Gujarat, theo dữ liệu từ các bệnh viện công.

Giáo sư Eter Collignon, chuyên gia y tế thuộc tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết loại nấm đen kí sinh trên não người này gọi là mucormycosis. Bệnh mucormycosis "rất nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao, cần được chữa trị kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật, kết hợp với dùng thuốc”.

Một loại nấm đen kí sinh ở não đang lan rộng trong các bệnh nhân dễ bị tổn thương ở Ấn Độ. (Ảnh: PTI)

Bệnh mucormycosis là gì?

Bệnh mucormycosis do loại nấm mốc cùng tên gây ra. Loại nấm này có thể tồn tại ở mọi điều kiện trong môi trường, kể cả trong đất và trên cây trồng. Mucormycosis đã được phát hiện trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ và Úc.

Theo giáo sư Collignon, sau khi xâm nhập vào cơ thể, nấm mucormycosis sẽ bám vào xoang và dần lan tới não.

Khi hệ thống miễn dịch của bạn không thể kiểm soát được chúng (nấm mucormycosis), chúng sẽ xâm nhập vào não bộ, khi đó căn bệnh sẽ trở nên vô cùng, vô cùng nghiêm trọng”, ông Collignon nói.

Người dân có thể mắc bệnh này ngay trong bệnh viện, phổ biến nhất là từ các bệnh nhân vừa thực hiện phẫu thuật cấy ghép. Mucormycosis bám trên khăn trải giường của bệnh viện, lan truyền qua hệ thống thông gió và chất dịch.

Chuyên gia của WHO lưu ý thêm rằng ngoài bệnh viện, người dân cũng có thể bị nhiễm nấm khi hít phải khói bụi ở những nơi có nhiều công trình xây dựng.

Trong trường hợp hít phải bào tử nấm mucormycosis, hầu hết hệ thống miễn dịch của mọi người có thể kháng lại chúng, trừ những người có bệnh nền. Loại nấm này chỉ nguy hiểm đối với người mắc phải một trong những căn bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch như tiểu đường, ung thư máu, hoặc đang sử dụng một số loại thuốc làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể như steroid.

Người dân có thể hít phải bào tử nấm mucormycosis ngay trong bệnh viện. (Ảnh: Shutterstock)

Tại sao bệnh hiếm gặp này bùng phát ở Ấn Độ?

Thông thường, người mắc bệnh mucormycosis rất hiếm. Trước đại dịch COVID-19, ước Mỹ trên toàn nước Mỹ chỉ có khoảng 500 ca nhiễm (con số chính xác rất khó xác định vì hiện chưa có hệ thống giám sát bệnh này). Vì vậy con số 300 bệnh nhân ở bang Gujarat của Ấn Độ là vô cùng bất thường.

Giáo sư Collignon cho biết chính đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở Ấn Độ đã tạo điều kiện cho mucormycosis lây lan.

Ấn Độ hiện là nước đứng thứ hai thế giới về số người mắc COVID-19 với tổng cộng 22.992.517 ca nhiễm. Gần đây nước này liên tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm trong ngày. Virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh, tạo điều kiện cho nấm mucormycosis phát triển.

Một nguyên nhân khác là do những người mắc COVID-19 ở Ấn Độ phải sử dụng thuốc steroid liều cao để kháng viêm.  

Chúng tôi đã cố gắng làm giảm tình trạng viêm nhiễm của bệnh nhân (COVID-19) bằng steroid, nhưng việc đó lại làm tổn hại khả năng chống lại các căn bệnh nhiễm trùng thông thường như nấm", ông Collignon cho biết.

Trong khi hệ thống y tế Ấn Độ đang phải oằn mình chống lại cả hai căn bệnh nguy hiểm chết người là COVID-19 và mucormycosis thì môi trường đông đúc và chật chội lại tạo cơ hội cho virus gây bệnh phát tán.

Chính đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở Ấn Độ đã tạo điều kiện cho mucormycosis lây lan. (Ảnh: The Japan Times)

Các triệu chứng của Mucormycosis

Các triệu chứng của bệnh Mucormycosis bao gồm đau và đỏ quanh vùng mắt, mũi; sốt; nhức đầu; ho; nôn mửa kèm theo máu; chảy nước mũi màu đen và có máu; đau một bên mặt và trong khoang mũi; mũi đổi màu đen; đau răng; đau và mờ mắt.

Tất cả mẫu chất lỏng và mô của người nghi nhiễm đều có thể được sử dụng để xét nghiệm.

Cách phòng chống và điều trị Mucormycosis

Mucormycosis là một căn bệnh khó điều trị và chi phí chữa bệnh này rất tốn kém. Cho dù được chăm sóc y tế, bệnh nhân vẫn có tỷ lệ tử vong lên tới 50%.

Chúng tôi thường đưa những bệnh nhân bị ức chế hệ thống miễn dịch vào phòng áp lực dương tại bệnh viện để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như mucormycosis. Bằng cách tăng áp suất trong phòng và để không khí tràn ra hành lang, chúng tôi có thể hạn chế nấm và các tác nhân gây hại khác lưu thông trong không khí tại phòng bệnh”, giáo sư Collignon cho biết.

Tuy nhiên, đối tượng dễ mắc mucormycosis nhất là các bệnh nhân COVID-19 lại không thích hợp được điều trị tại phòng áp lực dương. Điều kiện trong phòng điều trị này có thể khiến COVID-19 chuyển biến xấu hơn.

Mucormycosis là một căn bệnh khó điều trị và chi phí chữa bệnh này rất tốn kém. (Ảnh: BBC)

Cách điều trị bệnh mucormycosis là kết hợp phẫu thuật và sử dụng thuốc chống nấm, một loại thuốc có độc tính tương đối cao. Không chỉ vậy, việc phẫu thuật điều trị mucormycosis thường khá nguy hiểm vì phải tác động đến phần não bộ.

Bạn cần được phẫu thuật để loại bỏ nguồn gốc của nấm, thường là ở xoang và vị trí phía sau mũi trong cổ họng. Cuộc phẫu thuật cũng có thể được thực hiện ở những vị trí rất mong manh như đáy não của bạn”, ông Collignon nói.

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa và Bộ Y tế Ấn Độ đã khuyến cáo mọi người nên mặc trang phục kín và đeo găng tay trong khi xử lý đất, rêu hoặc phân để tránh tiếp xúc với bào tử nấm mucormycosis. Người dân cũng nên giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường, không nên lạm dụng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch như steroid.

Trần Trang

Tin mới