Voọc chà vá chân đen bất ngờ xuất hiện nhiều lần dưới chân núi gần các ngôi làng ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Chúng đi theo bầy, thường ngồi trên các tảng đá lớn, leo trèo trên những cây cóc rừng, bứt lá non ăn.
Chúng có lông màu đen, mặt trắng, đuôi trắng, con lớn nặng chừng 10 kg. Mỗi bầy 7-15 con, con đầu đàn thường ngồi cảnh giới trên cây cao, kêu rít lên báo hiệu cho cả đàn, khi thấy con người xuất hiện.
Voọc xuất hiện gần bìa rừng dọc biển Thuận Nam, trong tháng 4. (Ảnh: Đức Huynh)
Những ngày qua, voọc về tìm thức ăn và nước uống gần bìa rừng, nhưng không hề xâm phạm hoa màu và cây trồng bên rẫy dân. "Chúng xuống rất gần, cách chòi chừng 50 m, nhưng hiền lắm, không phá hoại gì, nên chúng tôi rất quý", ông Trần Văn Thạch, người dân xã Phước Dinh cho biết.
Chiều 16/4, ông Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam cho biết, trong tháng qua, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị ghi nhận hơn 20 đàn, xuất hiện ở 22 điểm khác nhau trong phạm vi rừng phòng hộ (trên địa bàn ba xã: Phước Dinh, Phước Diêm và Phước Minh), với tổng số chừng 200 con lớn, nhỏ.
Theo ông Hiếu, quần thể voọc chà vá chân đen này là động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới. Lâu nay, chúng sống trên các dãy núi, cao 600 – 700 m, ẩn trong hốc đá, rất khó bắt gặp. Năm nay hạn hán, cây cối trên núi đá khô cằn, các khe nước tự nhiên cũng cạn khô, nên chúng kéo xuống những nơi trũng hơn để kiếm nguồn nước uống và thức ăn, duy trì sự sống.
3 trong số gần 200 con voọc được ghi nhận ở rừng phòng hộ Thuận Nam. (Ảnh: Đức Huynh)
Để ngăn chặn các nhóm thợ săn, Ban quản lý rừng phòng hộ Thuận Nam cắt cử lực lượng bảo vệ rừng ở hai trạm Bàu Ngứ và Thơm Tàu thường xuyên tuần tra, kiểm soát. "Qua công tác vận động, người dân sống gần rừng cũng đã kịp thời thông tin cho chúng tôi khi thấy dấu hiệu bất thường", ông Hiếu cho biết.
Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam rộng hơn 13.500 ha, thuộc dạng rừng bán hoang mạc, giúp chống sa mạc hóa, giữ nguồn nước ngầm ở vùng hạn Ninh Thuận. Việc tồn tại đàn voọc với gần 200 con ở đây càng khẳng định sự quý giá của khu rừng này.
"Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu tiến hành điều tra số lượng, tập tính, cách di chuyển của đàn voọc này... để có hướng bảo vệ lâu dài", ông Hiếu nói.