Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực lợi dụng chính sách ưu đãi người có công

Chính phủ khẳng định xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công.

Sáng nay (15/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trình bày báo cáo về việc thực hiện 4 nghị quyết và 4 kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề trên các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; lao động – thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông; xây dựng, đô thị; xây dựng pháp luật; công tác dân tộc; an ninh trật tự.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên chất vấn, sáng 15/8. (Ảnh: Quang Vinh)

Xử lý nghiêm tiêu cực, tham nhũng

Theo đó, liên quan lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, trong đó có thực hiện chính sách đối với người có công, ông Mai Tiến Dũng cho biết, trong 3 năm qua, đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, đạt tỷ lệ xử lý 100%; xác nhận trên 2.000 liệt sỹ, trên 2.600 thương binh.

Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng. Hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gần 300.000 hộ gia đình chính sách người có công.

Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công. Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng còn những khó khăn, vướng mắc do hồ sơ lâu năm, phức tạp, thiếu cơ sở xác minh.

Trên lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin. Xây dựng cơ chế phối hợp về đảm bảo an toàn thông tin mạng, xác định phạm vi, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Theo báo cáo chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 50 bậc so với năm 2017 (xếp thứ 100).

Về lĩnh vực xây dựng, đô thị, ông Mai Tiến Dũng cho biết, đã thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực xây dựng; yêu cầu tăng cường phân cấp ủy quyền cho các Bộ ngành, địa phương về thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng công trình; cắt giảm 85% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm 49/90 thủ tục hành chính về lĩnh vực xây dựng...

Chính phủ cũng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về an ninh, trật tự; đồng thời, ban hành kịp thời nhiều chủ trương, kế hoạch, mệnh lệnh, giải pháp công tác đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm, tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, xâm hại trẻ em...

Xuân Trường

Tin mới