Thời gian gần đây, một xu hướng mới đang diễn ra trên thị trường nhà cho thuê Hà Nội, đó là việc khách chuyển sang tìm các mặt tiền trong ngõ nhỏ, thay vì chuộng khu vực mặt phố như trước kia.
Chị Trần Bích Thủy (quận Hai Bà Trưng), một tiểu thương buôn bán quần áo lâu năm tại Hà Nội, cho hay, trước dịch COVID-19, chị thuê tầng 1 của căn nhà mặt phố tại Đội Cấn (quận Ba Đình) để kinh doanh quần áo thời trang với giá thuê 35 triệu đồng/tháng.
Nhưng việc kinh doanh sau dịch ế ẩm, lợi nhuận hàng tháng không đủ để chi trả tiền thuê. Vì vậy, chị phải nhượng lại cửa hàng mặt phố để tìm địa điểm kinh doanh khác.
“Xu hướng tiêu dùng của khách hàng kể từ sau COVID-19 đã có nhiều thay đổi. Họ quen với việc mua sắm online hơn là mua trực tiếp. Chính vì vậy, dù cửa hàng tôi nằm ngay ở mặt phố nhưng cũng rất vắng khách mua.
Sau khi cân nhắc, tính toán, tôi quyết định tìm một cửa hàng nhỏ trong ngõ tại phố Ngọc Hà để thuê. Giá thuê chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng nên việc làm ăn bớt chật vật hơn hẳn. Vì tôi chuyển sang bán online là chính, cửa hàng chỉ dành cho lượng khách muốn đến thử trực tiếp và là nơi để nhập và chứa hàng”, chị Thủy kể.
Khách hàng ngày càng chuộng thuê cửa hàng trong ngõ nhỏ. (Ảnh minh họa: VNN)
Khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận các mặt bằng bán lẻ nằm trong các ngõ nhỏ của Hà Nội vẫn có tỉ lệ lấp đầy rất cao, tập trung ở phân khúc giá 3-10 triệu đồng/tháng. Tại một số khu vực, cung không đủ cầu.
Ngoài ra, giá thuê cũng có phần nhích nhẹ. Ví dụ một số mặt bằng kinh doanh quận Cầu Giấy nằm trong ngõ nhỏ thuộc Dịch Vọng, Quan Hoa, Mai Dịch, Nghĩa Tân, Trung Kính…diện tích 20-40m2, có giá thuê 6,5 - 10 triệu đồng/tháng.
Tại quận Nam Từ Liêm, giá thuê khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng cho diện tích 12 - 25m2, tăng khoảng 10% so với cuối năm ngoái.
Tại quận Thanh Xuân, các cửa hàng nằm trong ngõ nhỏ hiện có mức giá thuê 5-10 triệu đồng/tháng.
Anh Trần Minh Phúc, một môi giới chuyên về mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội, chia sẻ, tình hình kinh doanh ảm đạm cùng với thói quen mua hàng online của người tiêu dùng đã khiến nhiều nhà mặt phố không còn hấp dẫn khách thuê vì lợi nhuận không bù được chi phí thuê.
Trong khi đó, các cửa hàng trong ngõ nhỏ lại là lựa tối ưu trong thời điểm hiện nay vì giá thuê chỉ bằng 1/5, 1/10 nhà mặt phố nhưng hiệu quả lại khá tốt vì nhiều người chỉ cần có mặt bằng để biển cửa hàng, nơi chứa hàng và không gian để chụp ảnh bán hàng.
“Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng tôi môi giới đang hàng chục mặt bằng bán lẻ cho thuê ở trong ngõ, có thời điểm khách nhiều nhưng nguồn cung ít, khách phải chờ hoặc tìm sang môi giới khác”, anh Phúc nói.
Chị Phạm Minh Hương, Giám đốc kinh doanh văn phòng nhà đất Lucky Land chia sẻ, mặt bằng bán lẻ trong ngõ cho thuê dễ hơn, nhu cầu khách hàng lớn và ổn định hơn nhưng nguồn cung lại khá hạn chế. Trong khi đó, dù sở hữu vị trí "vàng", nhưng nhiều mặt bằng kinh doanh, nhà phố ở Hà Nội vẫn khó tìm khách thuê. Các mặt bằng này thường có giá thuê trung bình cao từ 40 - 60 triệu đồng/m2, không phù hợp với thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.
Lý giải điều này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho rằng, sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu cũng phần nào ảnh hưởng tới ngành bán lẻ.
Theo báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey & Company, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết các ngành hàng, trừ một số ngành hàng cốt lõi như: tạp hóa, xăng dầu, ngành hàng sức khỏe cá nhân, ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến.
“Sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về chi tiêu cơ bản rõ ràng là làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó, phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí, thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính yếu tố bất lợi từ nền kinh tế khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho mặt hàng thiết thực hơn”, chuyên gia phân tích.