Sáng 6/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn đối với 14 bị cáo liên quan vụ án "Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường. Trong ngày xét xử thứ 2, HĐXX cho phép đại diện VKSND TP Hà Nội và các luật sư bắt đầu xét hỏi.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh - cựu Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường cho rằng, tất cả nhân viên dưới quyền ông chủ Bùi Quang Huy ở Công ty Nhật Cường đều là người làm công, ăn lương theo hợp đồng lao động và “tuyệt đối không được chia lợi nhuận nào khác”.
Theo Ánh, dù bị cáo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường nhưng nhiều tháng vẫn không được nhận đủ lương do không hoàn thành chỉ tiêu ông chủ giao.
Lực lượng chức năng dẫn giải bị cáo Trần Ngọc Ánh tới tòa.
"Bị cáo rất hối hận và xin nhận trách nhiệm của mình về những hậu quả cả một tập thể gây ra. Mong HĐXX xem xét bởi các bị cáo đều vì cuộc sống mưu sinh mà làm theo lệnh của ông chủ. Hơn nữa, người hưởng lợi duy nhất ở công ty là Bùi Quang Huy mà ông ấy lại bỏ trốn, không có mặt ở đây để gánh hậu quả cùng các bị cáo”, bị cáo này nói.
Bị cáo Ánh cho biết thêm, từ năm 2013, Bùi Quang Huy chỉ đạo xây dựng 2 phần mềm nội bộ để quản lý hàng hoá và theo dõi tài chính là ERP và MISA. Phần mềm EPR có nhiều phân hệ như khai báo danh mục, mua hàng, quản lý hàng hoá, bán hàng, kế toán, tài sản, quản lý nhân sự.
Bị cáo cho rằng phần mềm nội bộ EPR ông chủ Huy lập ra với mục đích để quản lý chặt chẽ dòng tiền, tránh bị rơi rớt. Các nhân viên sẽ được cấp quyền để ghi chép cụ thể các số liệu về hoạt động kinh doanh lên phần mềm ERP. Ánh thường truy cập vào đây để xem báo cáo doanh thu, tồn kho hàng hoá.
Theo cáo trạng, Công ty Nhật Cường thành lập năm 2001, do Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc. Từ năm 2013 đến 2019, doanh nghiệp này kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, Công ty Nhật Cường nhập hàng của nước ngoài về bán tại Việt Nam không qua hải quan, không nộp thuế.
Trong đó, giai đoạn 2014 – 2019, Nhật Cường bán hơn 255.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị hơn 2.927 tỷ đồng. Bùi Quang Huy bỏ ra hơn 72 tỷ đồng để vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.
Bùi Quang Huy cũng chỉ đạo ghi sổ sách kế toán trên 2 hệ thống, đầy đủ trên hệ thống bí mật, nội bộ và không ghi chép hết trên hệ thống công khai với cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong vụ án này, cảnh sát đã tách hồ sơ các hành vi “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” ra xử lý sau do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.
Quá trình điều tra, cảnh sát cũng phong tỏa một số tài khoản trị giá hơn 8 tỷ đồng; tạm giữ gần 2.000 sản phẩm điện thoại, đồng hồ Apple, máy tính.
14 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1980, Giám đốc tài chính), Trần Ngọc Ánh (SN 1974, Phó Tổng Giám đốc), Đỗ Quốc Huy (SN 1983, Giám đốc Bán hàng), Nông Văn Lư (SN 1985, nhân viên), Hoàng Văn Phong (SN 1990, Trưởng ngành hàng Apple), Bùi Quốc Việt (SN 1970, nhân viên), Nguyễn Thị Bích Hằng (SN 1972, Kế toán trưởng), Trần Tất Khoa (SN 1981, Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc), Lê Hoài Phương (SN 1987, nhân viên), Nguyễn Bảo Trung (SN 1988, ở Hà Nội), Ngô Đức Tùng (SN 1991, ở Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (SN 1970, ở Hải Phòng), Đỗ Văn Dũng (SN 1973, ở Hải Phòng), Ngô Tuấn Sửu (SN 1976, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn).
Trong đó, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc bị VKSND Tối cao truy tố về 2 tội danh là “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; 12 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Buôn lậu”.