Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xử đại án Nhật Cường: Các bị cáo bật khóc nói lời sau cùng

(VTC News) -

Được HĐXX cho phép nói lời sau cùng, các bị cáo đều thể hiện ăn năn hối cải và bật khóc khi nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình.

Sau khi kết thúc phần tranh tụng, sáng 7/5, HĐXX cho phép 14 bị cáo trong đại án Nhật Cường được lên nói lời sau cùng trước tòa.

Là người đầu tiên được gọi lên, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) cho hay, bản thân bị cáo và những bị cáo khác được vào làm việc ở Nhật Cường là một điều may mắn bởi đa số các bị cáo xuất phát từ vùng quê nghèo. Mọi người đều lựa chọn ngẫu nhiên chứ không cố ý cùng vào làm việc ở Nhật Cường.

Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường mong HĐXX xem xét bởi khi biết ông chủ Bùi Quang Huy đã bỏ trốn, Ánh cùng các bị cáo khác vẫn tập hợp lại để cùng nhau khai báo, phối hợp với cơ quan điều tra.

Các bị cáo tại phiên tòa.

"Hơn một năm rưỡi, các bị cáo hàng ngày đến phòng làm việc có máy tính để in dữ liệu cho cơ quan điều tra. Nếu không có việc làm như vậy, cơ quan điều tra khó có bản kết luận chính xác với con số khủng. Chính các giám thị trại giam cũng nói là chưa có vụ án nào các bị cáo lại đi giúp cơ quan điều tra trích xuất dữ liệu như vậy”, Ánh phân trần.

Bật khóc khi trình bày, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) gửi lời xin lỗi đến gia đình vì đã làm xáo trộn cuộc sống của mọi người và nhắn nhủ chồng ở nhà chăm sóc gia đình cùng các con. Ngọc hứa khi trở về sẽ là người vợ, người mẹ tốt hơn nhiều so với trước đây.

"Việc làm nào cũng gây ra hậu quả tốt và xấu. Việc làm của bị cáo đã để lại hậu quả nghiêm trọng trong vụ án. Tuy nhiên, bị cáo đã phục vụ cơ quan điều tra hơn 1 năm lấy dữ liệu để ra được bản kết luận với con số cụ thể nên mong HĐXX xem xét", Ngọc nói.

Các bị cáo còn lại cũng đều bật khóc khi nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Họ gửi lời xin lỗi đến gia đình, đồng nghiệp và bạn bè, đồng thời mong HĐXX xem xét giảm nhẹ các hình phạt để sớm được trở về người thân.

Sau khi tất cả các bị cáo kết thúc phần nói lời sau cùng, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 15h ngày 10/5.

Trong phiên tòa chiều qua, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) giữ vai trò phạm tội sau Huy, giúp sức tích cực cho chủ mưu buôn lậu. Các bị cáo trong vụ án đều thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên, biết rõ là buôn lậu nhưng vẫn làm theo ông chủ Bùi Quang Huy.

VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trần Ngọc Ánh mức án cao nhất 15-16 năm tù về tội "Buôn lậu" do giúp sức tích cực cho chủ mưu.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) bị đề nghị mức án 5-6 năm về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và 9-10 năm tù về tội "Buôn lậu", tổng hình phạt 14-16 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng về tội "Buôn lậu", VKS đề nghị bị cáo Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng Công ty Nhật Cường) 13-14 năm tù, Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường) 9-10 năm tù; Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường), Bùi Quốc Việt (nhân viên, anh trai ông chủ Nhật Cường) 7-8 năm tù, Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc), Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu), Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn) cùng bị đề nghị từ 7-8 năm tù.

Nguyễn Bảo Trung (ở Hà Nội) bị đề nghị mức án 12-13 năm tù, Ngô Đức Tùng (ở Hà Nội) 3-4 năm tù, Phạm Văn Hiệp (ở Hải Phòng) 12-13 năm và Đỗ Văn Dũng (ở Hải Phòng) từ 7-8 năm tù.

Theo cáo trạng, Công ty Nhật Cường thành lập năm 2001, do Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc. Từ năm 2013 đến 2019, doanh nghiệp này kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, Công ty Nhật Cường nhập hàng của nước ngoài về bán tại Việt Nam không qua hải quan, không nộp thuế.

Trong đó, giai đoạn 2014 – 2019, Nhật Cường bán hơn 255.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị hơn 2.927 tỷ đồng. Bùi Quang Huy bỏ ra hơn 72 tỷ đồng để vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Bùi Quang Huy cũng chỉ đạo ghi sổ sách kế toán trên 2 hệ thống, đầy đủ trên hệ thống bí mật, nội bộ và không ghi chép hết trên hệ thống công khai với cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong vụ án này, cảnh sát đã tách hồ sơ các hành vi “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” ra xử lý sau do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.

Quá trình điều tra, cảnh sát cũng phong tỏa một số tài khoản trị giá hơn 8 tỷ đồng; tạm giữ gần 2.000 sản phẩm điện thoại, đồng hồ Apple, máy tính.

Tùng Lâm

Tin mới