Sau gần 7 năm kể từ khi giai đoạn 1 của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát và rạch Nước Lên hoàn thành, nhiều khu vực ven tuyến kênh này ô nhiễm, rác thải tràn lan, nước kênh đen kịt, đường xuống cấp...
Ô nhiễm môi trường đã khiến đời sống và công việc của người dân quanh đây gặp nhiều khó khăn. Sáng 23/2, chính quyền TP.HCM chính thức khởi công giai đoạn 2 dự án.
Lãnh đạo TP.HCM nhấn nút khởi công dự án.
Có mặt tại buổi lễ từ sớm, chị Vũ Thị Lương (36 tuổi, ngụ phường 15, quận Gò Vấp) chăm chú theo dõi quá trình khởi công dự án và cảm thấy vui vì giấc mơ dòng kênh từng đen kịt sắp trong xanh đang rất gần. Chị cho biết đây là niềm mong mỏi nhiều năm qua của các hộ dân ven kênh Tham Lương, đoạn qua địa bàn quận Gò Vấp.
Sống ven kênh 12 năm nay, chị Lương kể những năm qua phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng khi nhiều đoạn ven bờ trở thành nơi đổ rác. Trưa nắng hoặc khi nước cạn, đáy kênh lộ ra các loại chất thải ứ đọng từ lâu, quyện trong bùn đen, bốc mùi nồng nặc.
"Chứng kiến tình trạng xả rác ra sông nhiều, tôi còn trực tiếp đi vớt những thùng xốp, bao tải vật dụng bị vứt trôi về đây. Nhiều khi hôi kinh khủng, mưa ngập thì đi lại bất tiện. Có những lần vừa bưng chén cơm phải vội buông đũa vì mùi hôi xộc lên giữa trưa", chị Lương nói.
Chị Vũ Thị Lương cảm thấy vui vì giấc mơ dòng kênh trong xanh đang rất gần.
Người phụ nữ này nhớ lại những năm trước, ven kênh Tham Lương - Bến Cát cỏ cây mọc um tùm, người dân còn mang chiếu và đồ dùng gia đình xuống kênh để giặt. Tuy nhiên, kênh bắt đầu ô nhiễm khi người dân chuyển đến sinh sống ven bờ ngày càng đông.
"Có người thả cá phóng sanh xuống khu vực này vài phút sau là cá thoi thóp chết liền", chị Lương chia sẻ.
Khi nghe tin lễ khởi công sẽ diễn ra vào sáng nay, chị và chồng chị đã xin nghỉ việc để chứng kiến khoảnh khắc ý nghĩa này.
"Mừng lắm, mấy hôm nay mọi người trong khu vực đều kể nhau nghe về câu chuyện khởi công dự án. Sau mấy chục năm chờ đợi, tôi cùng người dân ở đây kỳ vọng dự án sớm hoàn thành để giao thông thông suốt, môi trường trong lành hơn", chị Lương nói.
Kênh Tham Lương đoạn qua địa bàn quận Gò Vấp.
Bà Bùi Thị Tuý Liên (ngụ phường 14, quận Gò Vấp) cho hay, gia đình bà là 1 trong hơn 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do việc đền bù giải toả mặt bằng. Gia đình bà đã bàn giao mặt bằng từ năm 2008, đến nay giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng nước dưới kênh vẫn còn mùi hôi thối, con đường hai bờ kênh vẫn chưa được hình thành, môi trường vẫn chưa được trong sạch.
"Một số con đường vẫn còn ngập úng mỗi khi có mưa, cỏ và rác vẫn tràn lan 2 bờ kênh, người dân vẫn thiếu không gian vui chơi dọc 2 bờ kênh và kế sinh nhai của người dân bị ảnh hưởng", bà Liên nói.
Theo bà Liên, khi biết được thông tin giai đoạn 2 của dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được khởi công vào hôm nay, bà và người dân phấn khởi, vui mừng và kỳ vọng được sống trong môi trường đô thị với con kênh đẹp có tàu thuyền qua lại, làn nước trong xanh....
Rác thải chất đống 2 bên bờ kênh.
"Chúng tôi luôn hết lòng ủng hộ cho triển khai dự án", bà Liên nói và mong muốn các cơ quan chức năng, chủ đầu tư tập trung nhân lực và triển khai dự án hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, việc triển khai thi công, hoàn thành dự án sẽ tạo bước đột phá cho hạ tầng đô thị thành phố, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng và thành phố nói chung.
Việc triển khai giai đoạn 2 của dự án giúp hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận, huyện, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Công nhân thi công đóng cọc bê-tông bờ kè.
Theo ông Mãi, UBND TP.HCM đã chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết, triển khai nhanh, hiệu quả và phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2025, chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở ngành tập trung phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án. UBND các quận, huyện có liên quan tiếp tục tập trung vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.
“Chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, ông Mãi nói.
Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng), dự án có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông.
Đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Dự án là trục tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích 14.900ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan.
Đồng thời dự án cũng góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.
Dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên với chiều dài 31,46km; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11km; xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41km; hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền.