Cứ đến mùng 9 tháng Giêng hàng năm, người dân và du khách tấp nập đổ về Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) xem hội đua ngựa. Đây là hoạt động văn hoá đặc sắc, độc nhất vô nhị không chỉ riêng tỉnh Phú Yên mà còn của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Năm nay, 32 "kỵ sĩ nông dân" cùng 32 chú ngựa đến từ các xã thuộc huyện Tuy An cùng tham gia hội đua.
Ông Võ Văn Chín (xã An Xuân) cho biết, từ lâu đời, ngựa thồ gắn liền với đời sống của người dân nơi đây, không có máy móc nào thay thế được. Và rồi cứ đến ngày này hàng năm, nhà nào có ngựa thì đem ra Gò Thì Thùng đua, từ đó trở thành nét đặc trưng mỗi khi Xuân về.
Dù hội thi đã tổ chức hàng chục năm nhưng đây lần đầu tiên có sự tham gia của nữ "kỵ sĩ nông dân".
"Nữ kỵ sĩ" Nguyễn Thị Thắm (42 tuổi) đến từ xã An Hiệp đam mê và yêu thích hội thi đua ngựa từ lâu nhưng nay với có cơ hội đăng ký tham gia. "Lúc 7 tuổi, tôi đã theo gia đình đi 'ngựa thồ' nên tôi có kinh nghiệm thuần phục chúng" chị Thắm nói.
Chị Thắm nhanh nhẹn leo lên lưng ngựa để chuẩn bị xuất phát.
Các vận động viên được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi xuất phát.
Đây là lần đầu tiên hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng (Phú Yên) có sự tham gia của nữ 'kỵ sĩ nông dân' nên thu hút đông đảo người dân tới xem, cổ vũ.
Bước vào trận đấu, 32 ngựa đua lần lượt tranh tài ở vòng loại với 8 vòng đua. Sau đó chọn ra 8 ngựa đua về nhất và bước vào bán kết. 4 ngựa đua ở vị trí nhất và nhì của 2 vòng bán kết sẽ bước vào tranh tài ở trận chung kết để tìm ra ngựa thắng cuộc.
Sau hơn 3 tiếng tranh tài, kết quả giải nhất thuộc về anh Thái Văn Sáu, ngựa số 25 (xã An Hiệp).
Cuộc thi mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều lúc, khán giả cười lăn vì ngựa không chịu chạy, có khi rơi nước mắt khi ngựa bị thương.
Nhiều người rơi nước mắt khi một chú ngựa bị thương.
Nhiều khán giả leo lên cây để xem rõ hơn và ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của cuộc thi.