Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xe tăng và tên lửa, vũ khí nào giúp Ukraine thay đổi cục diện?

(VTC News) -

Khi cuộc chiến ở Ukraine sắp bước qua năm đầu tiên thì cũng là lúc các bên thay đổi mục tiêu của họ để tìm đến chiến thắng.

Sau gần 1 năm xung đột, Nga đã nhiều lần chứng minh họ có thể hóa giải hầu hết các loại vũ khí được phương Tây viện trợ cho Ukraine. Thực tế này có thay đổi với loạt vũ khí mà các quốc gia phương Tây sẽ gửi tới Ukraine thời gian tới?

Vượt qua những giới hạn

Quay lại giai đoạn đầu xung đột Nga – Ukraine, các nước phương Tây luôn giữ vững lập trường về những giới hạn trong viện trợ quân sự cho Kiev. Trong đó các loại vũ khí hạng nặng, vũ khí tấn công tầm xa như xe tăng chiến đấu chủ lực, tên lửa, bom chiến thuật, máy bay chiến đấu... đều nằm ngoài danh sách viện trợ.

Giới hạn này được thiết lập nhằm đảm bảo các nước thành viên NATO và các quốc gia ủng hộ Ukraine không bị kéo vào cuộc đối đầu quân sự với Nga.

Ở thời điểm đó, những giới hạn trên được phương Tây tuyên bố là bất biến và không thể thay đổi cho dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần lên tiếng yêu cầu đồng minh mở rộng danh sách vũ khí viện trợ khi tình hình chiến trường liên tục thay đổi.

Giới hạn trên của phương Tây chính thức bị phá vỡ vào ngày 14/1/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đưa ra cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Ông Sunak nhấn mạnh quyết định này thể hiện "quyết tâm gia tăng ủng hộ cho Ukraine".

Như vậy Anh là cường quốc phương Tây đầu tiên công khai cam kết viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Pháp vào ngày 4/1 đã cam kết gửi cho Ukraine xe tăng chiến đấu hạng nhẹ AMX-10 RC.

Việc Anh vượt qua “giới hạn” đã mở đường cho một loạt quốc gia khác, gồm Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Na Uy viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Theo cam kết, Ukraine sẽ nhận 14 xe tăng Challenger 2 từ Anh, 14 xe tăng Leopard từ Ba Lan, 14 xe tăng Leopard từ Đức, và 31 xe tăng Abrams từ Mỹ - như vậy tổng cộng có 73 chiếc.

Đáp lại những tuyên bố cam kết viện trợ xe tăng của phương Tây, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov một lần nữa nhấn mạnh, việc phương Tây chuyển giao thiết giáp hạng nặng không giúp Kiev đạt tiến triển trên chiến trường mà chỉ dẫn tới đổ máu không cần thiết. Ông Peskov cảnh báo Nga cũng có thể coi Mỹ và châu Âu là các bên “can dự trực tiếp” vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Viện trợ xe tăng cho Ukraine đối với phương Tây mà nói chỉ là một phương án tình thế. (Ảnh: Lemonde)

Vai trò của xe tăng phương Tây

Ở chiến trường Ukraine, xe tăng đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên, vũ khí này vừa có thể được sử dụng để tấn công lẫn phòng thủ. Việc sử dụng xe tăng để chống lại xe tăng đôi khi cũng xảy ra nhưng không thường xuyên. Kể từ đầu xung đột cả Nga và Ukraine chưa có trận đấu xe tăng quy mô lớn nào.

Giới chuyên gia phương Tây tin rằng xe tăng Leopard 2 và M1 Abrams sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho quân đội Ukraine trong chiến sự khốc liệt ở vùng Donbass, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh chính, cũng như khu vực Đông Nam tỉnh Zaporizhzhia.

Henk Goemans, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột và Hợp tác thuộc Đại học Rochester nhận định, M1 Abrams và Leopard 2 "sẽ rất quan trọng đối với lực lượng Ukraine trong giai đoạn hiện tại của chiến sự, khi tình hình trên chiến trường miền Đông rơi vào bế tắc".

"Ukraine đang gặp bất lợi về quân số lẫn trang bị", ông Goemans đánh giá, "Nga có nhiều quân hơn, nhiều khí tài hơn. Sự xuất hiện của xe tăng phương Tây sẽ tạo ra khác biệt".

Còn John Herbst, giám đốc phụ trách các vấn đề Á - Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá xe tăng phương Tây sẽ giúp Ukraine bảo vệ phòng tuyến trước những đợt tấn công liên tục với quân số áp đảo của Nga. Lớp giáp dày và hỏa lực mạnh mẽ của hai mẫu xe tăng này cũng sẽ giúp Ukraine giảm bớt thương vong tại chiến trường.

"Nếu xe tăng tới Ukraine trong vài tháng tới, chúng có thể được Ukraine triển khai cho đợt phản công mới trên địa hình bằng phẳng ở miền Đông và miền Nam", chuyên gia này nhận định.

Từ những phân tích trên, việc phương Tây chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine là hành động cần thiết nhưng thực tế lại chỉ ra rằng vũ khí này chưa chắc tạo ra sự thay đổi.

Theo đó, về số lượng các nước phương Tây chỉ mới cam kết chuyển giao cho Ukraine 73 xe tăng các loại, con số này chưa đến 1/3 số xe Kiev yêu cầu trước đó, khoảng 330 xe. Số lượng xe tăng ít ỏi và phải hoạt động trên một chiến tuyến dài hàng nghìn km đặt ra bài toán về hậu cần kỹ thuật cho quân đội Ukraine nếu đưa xe tăng vào hoạt động.

Đã vậy quân đội Ukraine ít hoặc hầu như chưa được chính thức huấn luyện vận hành loại xe tăng hiện đại của phương Tây. Họ cũng không có kinh nghiệm bảo dưỡng loại xe tăng này.

Xe tăng M1 và Leopard 2 là những cố máy chiến tranh phức tạp, không đơn giản như loại tên lửa vác vai Stinger và Javelin hoạt động theo cơ chế ngắm rồi bóp cò. Các xe tăng này là vũ khí cao cấp hàng đầu, đòi hỏi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm huấn luyện thì mới làm chủ được. Trái lại, Nga có thể đưa vào trận hàng loạt xe tăng T-90 chỉ trong vài tháng.

Một vấn đề khác lớn hơn mà xe tăng phương Tây phải đối mặt khi tham chiến ở Ukraine đó là việc Nga đang làm chủ bầu trời, M1 hay Leopard 2 sẽ sớm trở thành “mồi ngon” cho các máy bay chiến đấu của Nga. Đây cũng là lý do Ukraine yêu cầu đồng minh viện trợ khẩn cấp chiến đấu cơ ngay sau khi các gói viện trợ xe tăng được thông qua.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định viện trợ xe tăng chỉ là khởi đầu bởi rất có thể phương Tây và Mỹ sẽ chuyển giao chiến đấu cơ và tên lửa tấn công tầm xa cho Ukraine trong thời gian tới bởi giờ đây không còn những giới hạn giữa các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tầm bắn của rocket GLSDB so với đạn rocket thông thường của HIMARS. (Ảnh: Reuters)

Vũ khí quyết định cục diện chiến trường

Khi quyết định chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, phương Tây, dẫn đầu là Mỹ hiểu rõ vũ khí này chỉ là phương án giúp quân đội của Kiev cầm cự, bởi khi mùa xuân đến cũng là lúc Nga nối lại các cuộc tấn công ở Donbass.

Và để đáp lại yêu cầu của Tổng thống Ukraine Zelensky, trong gói viện trợ sắp được công bố, nhiều khả năng Mỹ sẽ chuyển giao rocket dẫn đường GLSDB cho Ukraine. Hành động này đánh dấu lần đầu Washington cung cấp rocket tầm xa cho Kiev.

Theo nguồn tin giấu tên nói với Reuters ngày 1/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này sẽ công bố gói viện trợ quân sự tiếp theo trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine, rocket dẫn đường GLSDB có thể sẽ nằm trong gói hỗ trợ này.

Ngân sách dành cho gói viện trợ mới sẽ được lấy từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), nguồn tiền được Quốc hội Mỹ phân bổ để chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng thay vì rút từ kho dự trữ của quân đội Mỹ.

GLSDB là loại đạn rocket kết hợp giữa rocket M26 với bom đường kính nhỏ GBU-39, cho phép tấn công mục tiêu từ khoảng cách 150 km với độ chính xác cao. Loại vũ khí này có thể giúp Ukraine tấn công nhiều mục tiêu của Nga ở ngoài tầm bắn của pháo phản lực HIMARS (khoảng 80 km), trong bối cảnh Washington vẫn từ chối cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS cho Kiev.

Với GLSDB, các hệ thống pháo phản lực HIMARS và M270 của quân đội Ukraine hoàn toàn có thể vươn đến các mục tiêu nằm sâu bên trong các vùng hậu cần của Nga ở miền Đông Ukraine, thậm chí cả bán đảo Crimea.

Sự xuất hiện của GLSDB có thể buộc Nga phải di chuyển các căn cứ hậu cần của họ ra xa chiến tuyến hơn nữa, đồng thời binh lính Nga dễ bị tổn thương hơn và làm các kế hoạch tấn công tiếp theo của Moskva trở nên phức tạp.

Tầm tấn công của GLSDB có thể buộc Nga phải di chuyển các căn cứ hậu cần của họ ra xa chiến tuyến và tạo ra lợi thế chiến thuật trên chiến trường cho Ukraine. (Ảnh: overtdefense)

"Giống như HIMARS ảnh hưởng đáng kể đến tình hình chiến sự trong giữa cuối năm 2022, GLSDB cũng sẽ tạo ra những thay đổi tương tự", ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đánh giá.

Ông Tom Karako, một chuyên gia về vũ khí và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, Ukraine trước sau sẽ được phương Tây chuyển giao vũ khí tấn công tầm xa nhưng GLSDB lại có vai trò khác. Thứ vũ khí “giá rẻ” này sẽ mang đến cho Ukraine nhiều lựa chọn đồng thời gây khó khăn cho Nga về lâu về dài.

Đối với chính quyền Biden, quyết định gửi GLSDB tới Ukraine thể hiện một bước nhằm đáp ứng đòi hỏi của Ukraine đối với tên lửa ATACMS có tầm bắn gần 300 km (có thể triển khai từ HIMARS và M270).

Đạn rocket GLSDB mặc dù không mạnh bằng nhưng rẻ hơn, nhỏ hơn và dễ triển khai hơn nhiều so với ATACMS, khiến chúng rất phù hợp với phần lớn mục tiêu Ukraine hy vọng đạt được đó là làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Nga và tạo ra lợi thế chiến thuật trên chiến trường.

GLSDB là dự án hợp tác triển khai từ năm 2019 giữa Boeing với tập đoàn quốc phòng SAAB của Thụy Điển. Nhà sản xuất Boeing cuối năm ngoái đề xuất khởi động dây chuyền chế tạo GLSDB để cung cấp cho Ukraine, trong bối cảnh kho dự trữ vũ khí của Mỹ và đồng minh đang cạn dần, còn Ukraine ngày càng cần nhiều vũ khí dẫn đường hiện đại.

Đạn GLSDB được dẫn đường bằng vệ tinh, có thể chống chịu một số biện pháp chế áp điện tử và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. Mỹ còn khá nhiều rocket M26, trong khi mỗi quả bom GBU-39 có giá khoảng 40.000 USD, khiến hệ thống GLSDB hoàn chỉnh có giá rẻ và sẵn hàng hơn nhiều so với nhiều vũ khí dẫn đường của quân đội Mỹ hiện tại.

Nếu gói viện trợ GLSDB cho Ukraine được Quốc hội Mỹ thông qua, liên doanh Boeing và SAAB có thể sẽ chuyển giao đạn rocket này đến Kiev ngay trong Quý I/2023.

Trà Khánh (Nguồn: Reuters; Asia Times)

Tin mới