Việc xây dựng các công trình công vụ diễn ra trong nhiều năm ở khu vực đồi Ông Tượng, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình gây ra tình trạng sạt lở gần vai phải đập thủy điện Hòa Bình. Trước khi các hoạt động xây sửa trụ sở này được tiến hành, đã có khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhà khoa học chuyên ngành rằng tuyệt đối không đào bới, san gạt tại khu vực đồi Ông Tượng để đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện Hòa Bình.
Câu hỏi đặt ra là ai đã chủ trương việc xây sửa dẫn đến sạt lở, phải kè chống sạt tốn hơn 300 tỷ đồng? Phóng viên VTC News đã tìm gặp một số lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 1990-2020.
Hàng loạt công trình công vụ của tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình được xây dựng bên sườn phía đông đồi Ông Tượng dù trước đó đã có khuyến cáo ‘tuyệt đối không đào bới’ khu vực này
3 đời chủ tịch tỉnh chấp hành ‘không đào bới’
Ông Bạch Công Điệu - nguyên phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nói: “Trước năm 1991, tôi làm phó chủ tịch tỉnh Hà Sơn Bình phụ trách khối văn-xã, trong đó có phụ trách vùng Hoà Bình hiện nay. Từ khi khởi công, đắp đập, di dân để xây dựng nhà máy thuỷ điện như thế nào thì tôi đều chứng kiến”.
Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình được tách ra thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Ông Nguyễn Nhiêu Cốc được chỉ định làm bí thư tỉnh ủy, ông Bạch Công Điệu làm phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh.
“Thời điểm đó công trình thuỷ điện gần như hoàn thiện. Ông Thái Phụng Nê, bộ trưởng Bộ Năng lượng, trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình và ông Ngô Xuân Lộc, bộ trưởng Bộ Xây dựng, sau này làm phó thủ tướng, có gặp chúng tôi và đề nghị UBND tỉnh tuyệt đối không đào bới khu đất từ trụ sở UBND tỉnh cũ (nay đã được làm mới) đến khu vực chợ Chăm để đảm bảo an toàn cho công trình thuỷ điện”.
“Tôi có giao văn phòng uỷ ban làm công văn gửi cho các sở, ban, ngành chấp hành nghiêm chỉnh việc đó, không đào bới và không được tác động vào khu vực đồi Ông Tượng. Đó chính là khu vực vai phải của đập đã xảy ra sự cố sạt lở vừa qua”.
Năm 1994, ông Điệu thôi giữ chức chủ tịch UBND tỉnh, sang làm phó bí thư thường trực kiêm trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Theo ông, hai đời chủ tịch UBND tỉnh kế nhiệm là ông Vương Xuân Sơn và Hà Công Dộng vẫn chấp hành việc không tác động, đào bới khu vực đồi Ông Tượng.
“Riêng khu vực đồi Ông Tượng, khi bắt đầu xây dựng tỉnh sau khi tách, tôi đã giao cho Tổng đội thanh niên thị xã Hoà Bình trồng toàn thông với mật độ 5.000 cây/ha để tăng liên kết, hạn chế sạt lở đất”, ông Bạch Công Điệu nói.
Khu đồi lúc đó, theo lời ông, không hề xuất hiện tình trạng lở, xói, kể cả những tháng mưa như trút nước, cộng với nước lũ dồn về rất lớn bởi chưa có nhà máy thuỷ điện Sơn La và Lai Châu.
Ông Điệu nói có biết việc xây sửa trụ sở sau này nhưng không rõ ai chủ trương.
>>> Tỉnh xây trụ sở khiến sạt lở nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng càng nguy hiểm?
Ai chủ trương xây sửa?
Một vị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 1990-2000 (không muốn nêu tên) nói với phóng viên VTC News rằng đến năm 2005, ông Bùi Văn Tỉnh lên làm chủ tịch UBND tỉnh và bắt đầu thực hiện xây dựng các công trình công vụ, dỡ bỏ trụ sở uỷ ban cũ, chặt phá toàn bộ thông trên đồi Ông Tượng.
Năm 2013, ông Hoàng Việt Cường nghỉ bí thư tỉnh uỷ, ông Bùi Văn Tỉnh được điều chuyển sang giữ chức vụ này. Ông Tỉnh tiếp tục cho xây dựng trụ sở tỉnh uỷ mới, đào bới đất ở khu vực đồi Ông Tượng gây sạt lở nên phải xây kè, tốn hàng trăm tỷ đồng.
Nhìn từ trên cao vị trí của đập thủy điện Hòa Bình, bên cạnh đồi Ông Tượng (nơi có tượng đài Bác Hồ) và các cơ quan tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình
Phóng viên tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Hữu Duyệt - nguyên phó bí thư Tỉnh uỷ, phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình. Ông Duyệt nói: “Năm 2000, tôi chuyển công tác từ vị trí phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, tôi cũng tập trung vào khối nông nghiệp, phụ trách các công trình xây dựng là người khác, tôi cũng không để ý mấy vấn đề đó lắm. Năm 2005 thì ông Bùi Văn Tỉnh giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình. Lúc này tôi sang là phó bí thư Tỉnh uỷ, tập trung công tác Đảng”.
Nhà-máy-thủy-điện-Hòa-Bình-mở-rộng-3.jpg
Sự việc hàng loạt công trình công vụ của tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình được xây dựng bên sườn phía đông đồi Ông Tượng đã diễn ra từ lâu, sao mà tôi nhớ được”.
Ông Bùi Văn Tỉnh - nguyên chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND, bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình giai đoạn 2005-2020
Qua điện thoại, phóng viên đã liên lạc với ông Bùi Văn Tỉnh - nguyên chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND, bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình giai đoạn 2005-2020. Khi được hỏi về vấn đề nêu trên, ông Tỉnh trả lời: “Sự việc hàng loạt công trình công vụ của tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình được xây dựng bên sườn phía đông đồi Ông Tượng đã diễn ra từ lâu, sao mà tôi nhớ được. Bây giờ bạn phải liên hệ với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hoà Bình để tìm hiểu thông tin”.
Trong khi đó, ông Tỉnh mới nghỉ hưu năm 2020. Cụ thể, VOV ngày 2/10/2020 đưa tin: “Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình không tham gia ban chấp hành Đảng bộ khóa mới”. Bản tin viết: Trong 52 người của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, không có tên ông Bùi Văn Tỉnh, bí thư tỉnh ủy, do đến tuổi nghỉ hưu.
Phóng viên VTC News đã liên hệ với UBND tỉnh Hòa Bình để thu thập thêm thông tin với các câu hỏi: Ai chủ trương xây sửa nhà công vụ ở khu vực đồi Ông Tượng, lãnh đạo nào phê duyệt các dự án, trước khi thực thi có tham khảo ý kiến các bên hữu quan, tham khảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh trước đó hay không, có tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, giới chuyên môn hay không? Tuy nhiên chưa nhận được hồi đáp.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin khi có phản hồi từ UBND tỉnh Hòa Bình.