Video: Hiện trường sạt lở nguy hiểm tại vai phải đập thuỷ điện Hoà Bình nhìn từ trên cao
Ngày 5/11, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra, làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm dừng thi công để đảm bảo an toàn.
Để khắc phục sự cố sạt lở, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công công trình và UBND tỉnh Hòa Bình triển khai ngay các biện pháp phù hợp để xử lý, khắc phục sạt lở, tuyệt đối không để nguy hiểm đến tính mạng người dân trong khu vực. Đồng thời không để xảy ra sạt lở lớn ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu và tượng đài Bác Hồ.
Theo EVN, nguyên nhân của sự cố sạt lở là do ảnh hưởng của 2 cơn bão trong tháng 10/2021 gây mưa. Mưa kéo dài kết hợp các yếu tố địa hình làm đất bão hòa nước trong thời gian dài gây sạt trượt với cung trượt lớn.
EVN nói trên thực tế họ đã xử lý, khắc phục tốt hiện tượng này ở nhiều công trình thủy điện. Việc xảy ra sạt trượt tại hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng "không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu lân cận" như đập chính thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ.
Tuy nhiên, sau sự cố sạt lở tại công trình nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng khiến công tác thi công bị đình chỉ, một số chuyên gia cho rằng dự án đang có vấn đề.
GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, là một trong những thành viên tham gia nghiệm thu công trình nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trước khi khánh thành năm 1994, cho biết, thời điểm đó không có chuyên gia nào lên kế hoạch hoặc tính chuyện mở rộng nhà máy. Ông Hồng nhấn mạnh đập Hoà Bình được thiết kế để chịu đựng 8 tổ máy, việc nâng cấp thêm chắc chắn địa chất sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Bạch Công Điệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kể rằng, ông Pavel Bogachenko, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình từng khuyến cáo nếu muốn mở rộng thêm tổ máy hay làm âu thuyền thì phải làm bên bờ trái.
Theo các tài liệu mà VTC News có được, ngay từ những năm 1990, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản thông báo đến các sở, ban ngành với nội dung tuyệt đối không đào bới khu đất gần chân đập để đảm bảo an toàn cho công trình thuỷ điện. Tuy nhiên, từ năm 2005, hàng loạt các công trình công vụ của tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình được xây dựng bên sườn phía đông đồi Ông Tượng.
Xem thêm tin bài cùng vấn đề:
Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao?
Tỉnh xây trụ sở khiến sạt lở nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng càng nguy hiểm?
Tháng 1/2021, EVN khởi công dự án nhà máy thủy Điện Hòa Bình mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng. Dự án được xây dựng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu, dự kiến có tổng công suất 480MW với 2 tổ máy.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị, hỗ trợ vận hành, khởi công xây dựng 6/11/1979, khánh thành 20/12/1994. Đây là đập thủy điện có công suất lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến 2012.