Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tỉnh xây trụ sở khiến sạt lở nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng càng nguy hiểm?

(VTC News) -

Trước khi sự cố sạt lở ở hố móng công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng xảy ra, từ nhiều năm trước tại khu vực này đã xuất hiện tình trạng sạt lở.

Theo các tài liệu mà VTC News có được, ngay từ những năm 1990, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản thông báo đến các sở, ban ngành với nội dung tuyệt đối không đào bới khu đất gần chân đập để đảm bảo an toàn cho công trình thuỷ điện.

Tuyệt đối không đào

Ông Bạch Công Điệu – nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình giai đoạn 1991-1994 xác nhận việc này.

Ông Điệu kể: “Thời điểm đó công trình thuỷ điện gần như hoàn thiện, ông Thái Phụng Nê, bộ trưởng Bộ Năng lượng, trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình và ông Ngô Xuân Lộc, bộ trưởng Bộ Xây dựng, sau này là phó thủ tướng có gặp chúng tôi và đề nghị tỉnh tuyệt đối không đào bới khu đất từ trụ sở UBND tỉnh cũ (nay đã được làm mới) đến khu vực chợ Chăm (còn gọi là chợ Thái Bình - PV) để đảm bảo an toàn cho công trình thuỷ điện”.

“Tôi giao văn phòng uỷ ban làm công văn gửi cho các sở, ban, ngành chấp hành nghiêm chỉnh việc đó, không được đào bới và không được tác động vào khu vực đồi Ông Tượng. Đó chính là khu vực vai phải của đập, nơi xảy ra sự cố sạt lở vừa qua”.

Theo nguồn tin của VTC News, tháng 4/1997, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khi đó là ông Vương Xuân Sơn. Văn bản, do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đinh Thế Diễn ký, nêu: “Hiện tượng sụt lở đất ở một số vị trí tại đồi Ông Tượng đã và đang diễn ra phức tạp, có thể dẫn tới hậu quả không lường hết”.

Ảnh chụp từ Google Map cho thấy vị trí của đập thủy điện Hòa Bình, bên cạnh đồi Ông Tượng (nơi có tượng đài Bác Hồ) và các cơ quan tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành của tỉnh Hòa Bình

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND thị xã (khi đó chưa có thành phố Hòa Bình-PV) “sẵn sàng chủ động đối phó và thực hiện các biện pháp khắc phục, sơ tán của tỉnh, nếu sự cố xảy ra”.

Sở Xây dựng được yêu cầu “chuẩn bị ngay phương án di chuyển các cơ quan phía dưới khu vực sạt lở sang bờ trái sông Đà”. Cấm mọi hiện tượng đào khoét, san gạt, lấy đất trong vùng bị sạt lở nói riêng và toàn bộ vùng đồi Ông Tượng (từ ngã ba khảo sát đến ngã ba Chăm) nói chung.

Bản sao văn bản tháng 4/1997 của UBND tỉnh Hòa Bình

Một lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 1990-2000 (đề nghị không nêu tên) nói với VTC News rằng, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc này cho đến năm 2005, khi chính quyền bắt đầu cho tiến hành các hoạt động xây dựng các công trình công vụ, dỡ bỏ trụ sở uỷ ban cũ (ngay dưới chân đồi Ông Tượng), chặt phá toàn bộ số cây thông trên đồi.

Bức ảnh trên báo Lao động ngày 11/9/2020 với chú thích: “Trụ sở UBND tỉnh Hòa Bình chỉ vừa được cải tạo, nâng cấp cách đây vài năm”. Hiện nay tòa nhà này đã hoàn thiện, đã đi vào sử dụng

“Việc xây dựng trụ sở tỉnh uỷ mới, đào bới đất ở khu vực đồi Ông Tượng gây sạt lở nên phải xây kè, tốn hàng trăm tỷ đồng”, vị cựu lãnh đạo nói. “Sau đó lại tiếp tục xây dựng các công trình, lại sụt, lại kè. Rồi làm trụ sở, hội trường HĐND tỉnh ngay dòng suối chảy từ đồi xuống… Ngân sách của tỉnh những năm đó đều dồn vào việc xây dựng các công trình công vụ”.

Để xác minh những thông tin mà vị cựu lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nêu, phóng viên VTC News đã liên hệ làm việc với một số cơ quan của tỉnh như UBND tỉnh, sở Xây dựng nhưng chưa nhận được câu trả lời.

>>> Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao?

Có căn cứ

Theo báo Hòa Bình điện tử ngày 17/6/2020, bản tin với tiêu đề “Đẩy nhanh tiến độ xử lý khối sạt trượt khu vực đồi Ông Tượng” viết: “Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày vào tháng 10/2017 đã xảy ra sạt trượt nghiêm trọng tại phía Đông đồi Ông Tượng và khu vực tổ 4, 5, 6, phường Chăm Mát (nay là phường Thống Nhất); tổ 4, phường Thái Bình (TP Hòa Bình).

Việc xây dựng trụ sở tỉnh uỷ mới, đào bới đất ở khu vực đồi Ông Tượng gây sạt lở nên phải xây kè, tốn hàng trăm tỷ đồng".

Một cựu lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình

Đặc biệt, khu vực trụ sở các cơ quan của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nằm bên sườn phía đông đồi Ông Tượng, trên mái dốc xuất hiện 18 vết nứt có chiều rộng từ 2 - 15 cm, dài từ 10 - 90 m, hình thành cung sạt trượt kéo dài hơn 300 m, rộng 200 m, chiều sâu cung trượt khoảng 30 m; khối lượng ước tính khoảng 1,8 triệu m3 đất, đá; dịch chuyển xuống dưới với biên độ từ 5 - 80 cm. Khối sạt trượt đã làm nghiêng cột điện  110 kV, uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn trụ sở làm việc của các cơ quan tỉnh, những hộ dân sinh sống quanh khu vực, cũng như một số công trình điện, giao thông...

Trước sự nguy hiểm này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và ráo riết chỉ đạo triển khai Dự án xử lý khẩn cấp khối sạt trượt các khu vực phía đông đồi Ông Tượng và tại phường Chăm Mát (cũ), phường Thái Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 339.942 triệu đồng; thời gian khởi công, hoàn thành từ tháng 4/2018 - 12/2020”.

Theo bài báo, đơn vị thi công dự án là Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn.

Bài báo viết tiếp: “Dự án khắc phục sạt lở phía Đông đồi Ông Tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi không chỉ bảo vệ các cơ quan của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và người dân sinh sống trong khu vực, mà còn bảo đảm an toàn cho đập thủy điện Hòa Bình và quốc lộ 6, đoạn qua địa bàn. Nếu tình trạng trượt sạt không được giải quyết dứt điểm thì càng gây tốn kém, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, mà theo dự báo tình hình mưa lũ năm nay sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xảy ra những đợt mưa lớn cực đoan”.

Báo Hòa Bình điện tử ngày 4/8/2021 có bài với tiêu đề “Gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối dự án xử lý sạt trượt phía Đông đồi Ông Tượng” viết: “Dự án khẩn cấp xử lý khối sạt trượt khu vực phía Đông đồi Ông Tượng được chính quyền tỉnh và người dân khu vực phường Phương Lâm (TP. Hòa Bình) đặc biệt quan tâm. Dự án đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu trong một tháng tới sẽ hoàn thành”.

Bài báo cho hay: “Hiện tại, mặc dù là giai đoạn cuối của dự án nhưng nhà thầu là Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn huy động khoảng 80 nhân lực cùng hàng chục phương tiện là ô tô, máy xúc… làm việc liên tục trên công trường thi công các hạng mục như san đất, trồng cỏ, dựng cột điện chiếu sáng…”.

Còn theo báo Lao động ngày 11/9/2020, tỉnh Hòa Bình muốn xây khu trụ sở mới trong khi trụ sở UBND tỉnh chỉ vừa được cải tạo, nâng cấp cách đây vài năm. Theo đề xuất, tổng vốn xây dựng khu trụ sở liên cơ quan mới của tỉnh Hòa Bình là hơn 745 tỉ đồng. Vị trí dự án là nơi đổ thải của Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng tại phường Phương Lâm, TP. Hòa Bình.

Theo tờ báo, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh Hòa Bình là 14,9%, cao thứ 12 cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hoà Bình thường xuyên nằm ở nhóm sau trong số 63 tỉnh, thành (năm 2018 xếp hạng 52).

Trong các ngày 17, 20/10 và 6/11/2021, tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có hiện tượng sạt lở trong hố móng.

Nguyên nhân, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là do ảnh hưởng của 2 cơn bão trong tháng 10/2021 gây mưa. Mưa kéo dài kết hợp các yếu tố địa hình làm đất bão hòa nước trong thời gian dài gây sạt trượt với cung trượt lớn.

Ngày 5/11, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của phó thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra, làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thông báo nêu rõ, yêu cầu chung đặt ra là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình. Phải bảo đảm cảnh quan kiến trúc và an toàn cho công trình lịch sử văn hóa tượng đài Bác Hồ; Cần khảo sát, kiểm tra trên thực địa và kiểm tra các hồ sơ liên quan để đánh giá kỹ các nguyên nhân gây ra sạt trượt, từ đó đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Phó thủ tướng yêu cầu EVN tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn cho công nhân.

Anh Minh - Anh Văn

Tin mới