Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xăng tăng giá là cơ hội để người Việt bỏ thói quen một bước cũng lên xe

(VTC News) -

Nếu cố tìm ra khía cạnh tích cực của giá xăng đang cao vút thì đó chính là cơ hội để người Việt thay đổi thói quen, đi bộ nhiều hơn thay vì một bước cũng lên xe.

Nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp khi giá xăng tăng dựng đứng và giảm nhỏ giọt đã được báo chí nói rất nhiều trong những ngày qua. Tác hại đối với kinh tế và đời sống là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, trong lời kêu khổ của người dân bị ảnh hưởng chi tiêu bởi giá xăng, có một điều có thể coi là tích cực. Đó là nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng, người lao động khác… cho biết họ đã tạm thời bỏ xe máy để chuyển sang đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng xe buýt.

Vâng, nếu như ta muốn tìm ra mặt tốt của thực trạng giá xăng cao chót vót  thì đó chính là cơ hội để người dân thay đổi thói quen di chuyển theo hướng lành mạnh hơn.

Người Việt lâu nay vẫn thuộc diện lười vận động nhất thế giới khi chỉ đi mấy trăm mét cũng phải leo lên xe máy hoặc ô tô. Nhiều người thường viện lý do phương tiện giao thông công cộng còn thiếu và bất tiện, không có ở mọi nơi như bên Tây. Trong khi trên thực tế, chính sự lười biếng của họ là một nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của loại hình này.

Hãy coi việc xăng tăng giá là cơ hội để thay đổi thói quen di chuyển, đi bộ nhiều hơn.

Những chuyện hài hước như đứng chờ xe ôm cả chục phút để đến phòng tập thể dục chỉ cách đó 500 -600 mét, hay nổ máy chôn chân trong biển người xe giờ tắc đường, hít khói bụi cả nửa tiếng để vượt qua quãng đường chỉ cần 15 phút đi bộ…. vẫn diễn ra hằng ngày ở khắp nơi.

Nhiều người vẫn bỏ tiền triệu mỗi tháng để tập gym, yoga, belly dance hay aerobic để có cơ thể khỏe mạnh, vóc dáng thon thả nhưng lại quyết không rời những chiếc xe gắn động cơ cho đến lúc giá xăng buộc họ phải tính toán lại phương án chi tiêu, trong đó có việc tăng cường đi bộ, đi xe đạp, xe buýt để giảm chi phí tiền xăng.

Quả là “trong cái khó ló cái hy vọng”, hy vọng về sự thay đổi thói quen đi lại của người Việt. Sự thay đổi này đem lại lợi ích toàn diện cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Nếu hạn chế tối đa việc dùng xe máy, xe hơi cá nhân, mọi người sẽ không chỉ tiết kiệm được tiền xăng, tiền xe mà còn tiết kiệm được tiền thuốc thang, tiền tập thể dục (vả cả thời gian cho hoạt động này) nhờ cơ thể được vận động nhiều sẽ khỏe mạnh hơn.

Cộng đồng cũng được lợi khi cảnh tắc đường giảm bớt, đường phố thông thoáng, không khí trong lành hơn do giảm khí thải. Nhờ đó mà chi phí xử lý môi trường, chi phí điều trị các bệnh do ô nhiễm, căng thẳng hay tai nạn thương tích cũng đỡ đi nhiều. Nói rằng đi bộ, đạp xe giúp dân khỏe, nước giàu cũng chẳng phải là quá ngoa ngôn.

Vì thế, trong lúc nền kinh tế và mỗi gia đình đều gặp khó khăn do giá xăng quá cao này, ngoài những giải pháp về kinh tế, tài chính, các cơ quan có trách nhiệm phát triển giao thông công cộng hay chăm sóc sức khỏe cộng đồng nên tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh tuyên truyền về việc giảm sử dụng xe cá nhân, cổ vũ việc đi lại bằng xe buýt, xe đạp hay bằng chính đôi chân. Với những người mà đặc thù công việc đòi hỏi sử dụng xe cá nhân, việc chuyển từ xe hơi sang xe máy, xe máy chạy xăng sang xe chạy điện… cũng rất tốt vì giúp giảm chi phí nhiên liệu và khí độc phát thải ra môi trường.

Xăng tăng giá, ở khía cạnh này, cũng là điều tốt.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Phong Vân

Tin mới