“Chủ nghĩa dân tộc vaccine không tốt, nó sẽ không giúp ích gì cho chúng ta. Để thế giới phục hồi nhanh hơn, chúng ta phải cùng nhau phục hồi. Đây là một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế gắn chặt với nhau. Một phần thế giới hoặc một vài quốc gia không thể là nơi trú ẩn an toàn cũng như không thể phục hồi thế giới", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay.
"Ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể giảm thiểu ở những quốc gia có kinh phí trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này. Họ không làm từ thiện cho người khác, họ đang làm điều đó cho chính họ. Tuy nhiên, khi phần còn lại của thế giới phục hồi, họ cũng được hưởng lợi", người đứng đầu WHO nói.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO cũng nhấn mạnh, sự tồn tại của dịch COVID-19 khiến cuộc sống và sinh kế của người dân ở mọi nơi gặp rủi ro.
WHO cũng cho biết, nhiều loại vaccine đang được phát triển, cần thiết để chống lại COVID-19. Khoảng 26 loại vaccine tiềm năng đang bước vào các giai đoạn thử nghiệm khác nhau trên người, trong đó có 6 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm 3.
“Giai đoạn 3 không có nghĩa là chúng ta gần có vaccine. Giai đoạn 3 có nghĩa là lần đầu tiên vaccine được thử nghiệm ở những người khỏe mạnh, để xem liệu vaccine có bảo vệ họ chống lại sự lây nhiễm tự nhiên hay không”, Giám đốc Điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết.
“Hiện có nhiều ứng viên được điều chế trên một số nền tảng khác nhau, ở một số quốc gia khác nhau”, ông Michael Ryan nói về các ứng viên vaccine hàng đầu đang được phát triển, sử dụng các phương pháp khác nhau để cung cấp khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO cũng cho biết: "Không có gì đảm bảo rằng bất kỳ loại nào trong số 6 loại vaccine này sẽ cho chúng ta câu trả lời, và chúng ta có thể sẽ cần nhiều hơn một loại vaccine để ngừa dịch bệnh".
“Chủ nghĩa dân tộc vaccine” là cụm từ mà giới chuyên gia dùng để miêu tả cuộc chiến vaccine COVID-19 hiện nay giữa các nước trên thế giới. Trong cuộc chiến khốc liệt này, một số nước giàu có hơn trực tiếp thực hiện các thỏa thuận với các hãng sản xuất dược phẩm để có được hàng triệu liều vaccine hứa hẹn cho công dân của mình.
Theo WHO, việc các nước lớn đề cao lợi ích dân tộc trong việc phân phối và phát triển vaccine có thể khiến công cuộc đẩy lùi triệt để COVID-19 trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Kể từ khi COVID-19 khởi phát, hàng loạt "đại gia" dược phẩm toàn cầu bắt tay vào điều chế vaccine, kỳ vọng cho ra sản phẩm an toàn và hiệu quả nhất đẩy lùi đại dịch. Các chuyên gia nhận định liều đầu tiên có thể ra mắt vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.