Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Vùi dập quán quân Olympia chỉ vì họ giỏi là hành động của kẻ xấu bụng'

(VTC News) -

Với những kẻ xấu bụng thì đơn giản khi ai giỏi hơn, họ sẽ phải tìm ra điểm yếu để vùi dập, và đó đã trở thành căn bệnh kinh niên.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 khép lại với chiến thắng thuộc Nguyễn Thị Thu Hằng (trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình). Sự tự tin, quyết đoán và một chút liều lĩnh giúp nữ sinh "hạ gục" ba bạn nam cùng chơi. Tuy nhiên một số người lại chỉ trích Thu Hằng có hành động "ăn mừng thái quá" ở phần thi Vượt chướng ngại vật và thiếu tôn trọng đối thủ trong phần thi Về đích - khi Lưu Đào Dũng Trí chia sẻ không thể thực hiện giấc mơ vòng nguyệt quế.

Là người theo dõi hành trình thi đấu của Thu Hằng, anh Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn) nhắn nhủ tới quán quân Olympia 2020 "Em không sai, đó là biểu hiện cảm xúc hoàn toàn bình thường trong một cuộc đua khốc liệt như vậy":

"Khi quán quân Olympia 2020 bày tỏ cảm xúc thật của mình trên sóng truyền hình, người ta nói em tự tin thái quá, vui vẻ trên khổ đau của người khác, là bởi trong đầu họ toàn tư tưởng "nguỵ quân tử". "Nguỵ quân tử" thường được coi là phải biết giấu đi cảm xúc của mình, phải mừng vui không được quá đà.

Vì vậy "nguỵ quân tử" lòng rộn ràng pháo nổ nhưng mặt phải cố có nỗi đau để tránh làm tổn thương kẻ thua mình. "Nguỵ quân tử" là được phép dối trá để thể hiện vai một người quân tử.

Tuy nhiên, "nguỵ quân tử" thường dành nói về nam giới, còn con gái không mấy ai gọi là quân tử cả. Trên cuộc đời này, nhiều người là "nguỵ quân tử", họ tin vào thuyết "nguỵ quân tử" trong đối nhân xử thế. Em không cần phải làm như "nguỵ quân tử" hoặc làm vui lòng những người "nguỵ quân tử" như thế.

Quán quân Nguyễn Thị Thu Hằng ăn mừng chiến thắng. (Ảnh: Q.T)

Xuất sắc trở thành quán quân, em phải đối mặt với vô vàn áp lực, từ kẻ xấu bụng đến những người tốt bụng nhưng hạn hẹp trong suy nghĩ. Thậm chí cả những người yêu thương em nhưng yêu thương kiểu cũ "yêu cho roi cho vọt".

Với những kẻ xấu bụng thì đơn giản khi em giỏi hơn, họ sẽ phải tìm ra điểm yếu để vùi dập. Đó là căn bệnh kinh niên, rằng ai giỏi cũng phải có thứ không giỏi để chê.

Nhưng với những người tốt bụng mới đáng giận, chỉ vì suy nghĩ và tầm nhìn hạn hẹp, họ tốt nhưng họ luôn đánh giá người khác bằng tầm nhìn hạn chế của họ. Những ý kiến của họ luôn được soi chiếu từ đôi mắt nhìn gần và nhìn quanh. Họ tốt bụng nhưng ý kiến của họ đôi khi làm em nản lòng.

Họ là người "yêu thì yêu cả đường đi, ghét thì ghét cả tông chi họ hàng". Ngay cả khi em thể hiện việc vui mừng khi thí sinh khác thua cuộc thì họ, với tầm nhìn hạn chế, sẽ nghe theo đám đông mà chê em.

Tiêu chuẩn của họ là bám theo quan điểm của đám đông vì bản thân họ không có tiêu chuẩn. Một số người Việt không có tiêu chuẩn, họ luôn dùng tiêu chuẩn của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, xứ trời “Tây” và của đám đông làm tiêu chuẩn cho mình. Một số người không có thước đo bởi kiến thức hạn chế.

Hoặc một số thước đo từ cha ông truyền lại, dù thời đại này nó không còn phù hợp nữa. Không có thước đo nên cứ đám đông nói đúng là đúng, đám đông chê sai là sai. Miệng nhà quan có gang có thép nên người cao hơn mình nói là chuẩn cấm cãi.

Nhiều người dù yêu thương em nhưng cũng sẽ mắc phải như vây. Đó chính là quan niệm "yêu cho roi cho vọt" nên khi em làm quán quân thì càng phải nghiêm khắc với em.

Những người yêu thương em sẽ đòi hỏi bằng kỳ vọng. Càng yêu thương lại càng kỳ vọng vào em nhiều. Càng kỳ vọng lại càng đòi hỏi vào em nhiều. Ví dụ như em không được thể hiện vui mừng khi đối thủ của em đang thua. Hay bênh vực kiểu như "em mới 18 tuổi nên em sai, từ từ em sẽ lớn".

Em không sai. Em không sai Thu Hằng nhé. Việc em biểu hiện cảm xúc hoàn toàn bình thường trong một cuộc đua khốc liệt như vậy. Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc đua cực khốc liệt và không chỉ đơn thuần là cuộc chơi trên truyền hình. Ở đó toàn những người xuất sắc chơi với nhau, đua với nhau.

Tôi được may mắn đi cùng 20 năm với Đường lên đỉnh Olympia. Tôi theo dõi vì ở đó là những học trò xuất sắc của Việt Nam. Thậm chí, các em còn xuất sắc hơn cả nhiều ngôi sao, hot girl, hotboy xuất hiện trên bìa báo.

Tôi hiểu về những cuộc ra đi và nhiều người trong số đó đã không trở về Việt Nam. Là bởi ai cũng tin tưởng vào năng lực của các quán quân, đều kỳ vọng các quán quân sẽ đóng góp cho đất nước.

Đằng sau sự mạnh mẽ, Thu Hằng đã khóc khi MC công bố là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. (Ảnh: Zing)

Sáng nay, tôi đọc một status của một người bạn. Họ thắc mắc về những người xuất sắc ở các tỉnh vẫn hàng năm trụ lại Hà Nội và TP.HCM thay vì sau khi tốt nghiệp sẽ về quê hương xây dựng quê hương họ. Thì những quán quân ra nước ngoài học rồi bám trụ lại nước ngoài có gì là sai?

Ví dụ các em ở đâu, các em vẫn cứ là người Việt Nam. Giống như các em là người Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nam Định, Quảng Ninh… đang định cư tại Hà Nội, TP.HCM. Rồi các em cũng sẽ trở về nếu như đất nước có một cơ hội để em phát triển, để em thoả trí.

Giống như làn sóng các nhà khoa học, công nghệ, y tế đang trở về với Tập đoàn Vin hiện nay. Là doanh nghiệp Việt sẽ phải lớn mạnh để có không gian đủ rộng cho các em trở về.

Đườg lên đỉnh Olympia mới chỉ tồn tại 20 năm. Những lứa quán quân đầu tiên giờ cũng mới chỉ 38 tuổi- 40 tuổi, chưa phải là hết đời. Nếu họ ở lại và học 20 năm tri thức nước người thì khi trở về họ cũng sẽ mang theo 20 năm tri thức đó đóng góp cho đất nước.

Chúng ta cần tài sản trí tuệ của người xuất chúng chứ không cần tuổi trẻ của họ. Bởi sức người chúng ta đang có thừa.

Thứ chúng ta cần là tri thức. Và ngày các em về Việt Nam, tri thức của các em mới là thứ tài sản đóng góp cho đất nước một cách hiệu quả nhất.

Thế nên, Thu Hằng em ơi, hãy cứ vững bước lên đường. Hãy giữ vòng nguyệt quế trên đầu em như một động lực tiếp lửa các em trên bước đường chinh phục những cung đường Olympia khác. Để chiếc vòng nguyệt quế đó tiếp tục được toả sáng".

Hoàng Anh Tú

Tin mới