Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vũ khí chính xác và Starlink của Ukraine đã đi đâu?

(VTC News) -

Đều là những phương tiện quan trọng giúp Ukraine giành được nhiều thành công, nhưng thời gian qua chúng đã hoàn toàn biến mất trên chiến trường.

Theo các cuộc phỏng vấn với những binh sĩ ở tiền tuyến do một số cơ quan truyền thông phương Tây thực hiện, lực lượng vũ trang Ukraine đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong việc sử dụng các hệ thống vũ khí dẫn đường chính xác do phương Tây cung cấp, bởi tác động từ các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.

Một số loại đạn dược bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bao gồm đạn pháo dẫn đường GPS Excalibur, hệ thống pháo binh HIMARS và bom dẫn đường chính xác JDAM. Khi mới được tung vào chiến trường, những loại đạn này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các lực lượng Nga, nhưng đến thời điểm hiện tại mọi thứ đã rất khác.

Đạn chính xác Excalibur.

Vũ khí chính xác bị vô hiệu hóa

Phát biểu với Washington Post, một quan chức Ukraine giấu tên tuyên bố rằng, Mỹ đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp đạn Excalibur sáu tháng trước, tức là vào cuối năm 2023, sau khi các hệ thống tác chiến điện tử của Nga khiến chúng không còn hiệu quả.

Đạn Excalibur từng được phương Tây mệnh danh là vũ khí “một phát, một mục tiêu”, tuy nhiên sau một thời gian có mặt trên chiến trường, Quân đội Nga đã khiến loại đạn này mất đi độ chính xác làm nên danh tiếng của nó. Washington Post đã kết luận: “Công nghệ Excalibur trong các phiên bản hiện tại đã mất đi tiềm năng. Những cuộc chạm trán với thiết bị gây nhiễu của Nga đã làm suy yếu danh tiếng của loại vũ khí này”.

Về hệ thống HIMARS, một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine than thở về tính hiệu quả ngày càng suy giảm của vũ khí này. Quan chức này cho biết, “Mọi thứ đã kết thúc vào năm 2023, khi người Nga triển khai tác chiến điện tử, vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và HIMARS trở nên kém hiệu quả”. Kết quả là các lực lượng Ukraine buộc phải đem những “loại đạn pháo đắt tiền” như HIMARS, để chống lại các mục tiêu có giá trị thấp và không cần sự hướng dẫn chính xác để tấn công.

JDAM cũng bị chỉ trích vì không có khả năng chống nhiễu, khiến bom trượt mục tiêu trong khoảng cách từ 200 mét đến 1,2 km. Các quan chức Ukraine nhấn mạnh rằng, quy trình kiểm duyệt chặt chẽ của Washington đã hạn chế nghiêm trọng khả năng giải quyết vấn đề vũ khí hỏng hóc. Các báo cáo của Washington Post, CNN đều nhấn mạnh rằng, HIMARS ngày càng kém hiệu quả về độ chính xác khi được sử dụng để chống lại các lực lượng Nga, do các biện pháp đối phó điện tử phức tạp ngày càng tăng.

Starlink ngưng hoạt động

Không những làm suy yếu tính hiệu quả của các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Ukraine, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga cũng đã làm gián đoạn nghiêm trọng khả năng kết nối internet của thiết bị Starlink. Trong thời gian đầu của cuộc xung đột, Starlink đóng vai trò quan trọng cho phép các lực lượng Ukraine và đồng minh phối hợp, thu thập thông tin tình báo và phóng máy bay không người lái tấn công vào các vị trí của Nga.

Phát biểu với tờ New York Times, các quan chức, binh sĩ và chuyên gia tác chiến điện tử Ukraine báo cáo rằng, nguyên nhân chính giúp cho Nga đạt được những tiến bộ trong thời gian gần đây là do hệ thống Starlink dừng hoạt động trên chiến trường. Điều này làm cản trở khả năng liên lạc của các đơn vị tiền tuyến và khiến họ phải dựa vào tin nhắn văn bản để liên lạc.

Binh sĩ Ukraine sử dụng thiết bị Starlink.

Phó tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn máy bay không người lái thuộc Lữ đoàn tấn công số 92 của Quân đội Ukraine nhận xét: “Chúng ta đang thua trong cuộc chiến tác chiến điện tử. Hệ thống Starlink đã ngừng hoạt động khiến việc liên lạc giữa các đơn vị trở nên siêu chậm”. Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái khác cho biết, việc mất kết nối Starlink “khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn” và “tốn thời gian”.

Tờ New York Times kết luận rằng, “nếu lực lượng Nga tiếp tục ngăn chặn thành công tín hiệu của Starlink, điều này có thể đánh dấu một sự thay đổi về chiến thuật trong cuộc xung đột, cho thấy tính dễ bị tổn thương của Ukraine và sự phụ thuộc của nước này vào dịch vụ do công ty của ông Musk cung cấp”.

Điều này cũng đặt ra “những câu hỏi rộng hơn về độ tin cậy của Starlink trước những đối thủ tinh vi về mặt kỹ thuật như Nga”. Hiện tại, lực lượng vũ trang Nga đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Triều Tiên và các đối thủ khác của khối phương Tây, rất có thể ​​những kinh nghiệm của Nga cũng sẽ được chia sẻ cho những quốc gia này.

Lê Hưng (Military Watch)

Tin mới