Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

VinUni tổ chức hội thảo về đột phá của công nghệ 3D trong phẫu thuật

(VTC News) -

Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học, Trường Đại học VinUni vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật - Xu hướng của tương lai”.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu Việt Nam và quốc tế. VinUni hiện là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ 3D cho ngành ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình nhằm hướng đến y học chính xác và cá thể hóa.

 GS.TS.BS Trần Trung Dũng, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học VinUni cho biết với công nghệ in 3D, các bệnh viện có thể sử dụng các dụng cụ mổ vừa khít với giải phẫu của người Việt, mà giá thành lại thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ hay châu Âu.

Hội thảo đã quy tụ các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, răng hàm mặt, tim mạch và nhiều chuyên ngành khác đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hệ thống y tế từ Vinmec...

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Wolfgang Vogt - Chuyên gia Chấn thương chỉnh hình ứng dụng công nghệ 3D hàng đầu thế giới cùng đội ngũ mediCAD – một trong những đơn vị phát triển phần mềm thiết kế 3D tốt nhất hiện nay. 

Công nghệ in 3D tạo ra cuộc cách mạng trong điều trị chấn thương chỉnh hình

Tại hội thảo, ThS.BSCKII Phạm Trung Hiếu – Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học, Giảng viên Viện Khoa học Sức khỏe - VinUni, Trưởng khoa Phẫu thuật khớp háng và khung chậu Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (TTCTCH&YHTT) Vinmec trình bày về “Phẫu thuật nội soi qua đường hầm xuyên xương sử dụng thiết bị dẫn đường in 3D, kỹ thuật mới điều trị nang xương sên dưới sụn”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, bác sĩ đã trải nghiệm sử dụng thiết bị Touch Haptic tại Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học VinUni. Thiết bị này giúp kỹ sư thiết kế và bác sĩ lâm sàng có thể dễ dàng lên ý tưởng, thử nghiệm mô phỏng trên môi trường ảo một cách trực quan nhất.

Đây là kỹ thuật và sáng chế chưa từng được thực hiện tại Việt Nam, đồng thời cũng chưa có nghiên cứu nào trên thế giới công bố kỹ thuật tương tự. Sản phẩm đã lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Medical Technovation 2022 và xuất sắc giành giải Quán quân.

Đại diện Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học VinUni cũng giới thiệu trợ cụ dẫn đường phẫu thuật hay còn gọi là “thước ngắm phẫu thuật" in 3D được nghiên cứu và phát triển độc quyền tại Việt Nam.

Sản phẩm hiện là trợ thủ đắc lực cho quá trình mổ khớp gối cho bệnh nhân và đã được các bác sỹ Vinmec ứng dụng thành công cho hàng chục ca mổ, với tỷ lệ chính xác lên đến 98%, giúp bệnh nhân giảm đau đớn, tập vận động được sớm, giảm tối thiểu tỷ lệ tái phát, đồng thời đảm bảo tính ổn định sau phẫu thuật.

GS.TS.BS Trần Trung Dũng – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học và Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình tại VinUni, kiêm Giám đốc TTCTCH&YHTT Vinmec cho biết: “Công nghệ in 3D có thể mang lại những giá trị và tác động kì diệu cho người bệnh, thậm chí vượt xa hình dung hiện tại của các bác sĩ chuyên gia.

Với công nghệ in 3D, các bệnh viện có thể sử dụng các dụng cụ mổ vừa khít với giải phẫu của người Việt, mà giá thành lại thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ hay châu Âu. Điều này rất có ý nghĩa và có thể tạo nên một cuộc “cách mạng” cá thể hóa trong phẫu thuật thay khớp phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, giúp người bệnh thoát khỏi các cơn đau bệnh lý và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Hình ảnh minh họa trợ cụ dẫn đường phẫu thuật được nghiên cứu và phát triển độc quyền tại Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học VinUni, được ứng dụng thành công để phẫu thuật một ca bệnh biến dạng nặng xương đùi.

Mang lại tiến bộ đột phá trong đào tạo

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được tham quan hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đến từ các hãng phần cứng và phần mềm công nghệ 3D trong Y khoa hàng đầu trên thế giới. Hệ thống này sẽ được VinUni sử dụng để đào tạo cho các sinh viên, học viên Y khoa. VinUni mong muốn có thể mở rộng hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực, đa trung tâm trong đào tạo, điều trị và nghiên cứu.

Hình ảnh mô hình u tế bào khổng lồ được in bằng công nghệ 3D tại Trung tâm nhằm xác định rõ vị trí, độ xâm lấn của khối u trên thực tế. Đây là một ca bệnh hiếm, phục vụ cho công tác giảng dạy sinh viên tại VinUni một cách trực quan hơn.

Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ in 3D đang tạo ra một kỷ nguyên mới trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cũng như trong một số chuyên ngành khác. Cùng với việc đào tạo các bác sĩ, chuyên gia tay có năng lực chuẩn quốc tế, việc sử dụng công nghệ 3D sẽ giúp cá thể hóa, “may đo” cho từng bệnh nhân, đảm bảo hỗ trợ phẫu thuật đạt độ chính xác tối đa, giảm thiểu các tai biến xuống mức thấp nhất.

Tại Việt Nam, Trung tâm Công nghệ 3D trong Y học (Trường Đại học VinUni) hiện là đơn vị tiên phong nghiên cứu về công nghệ 3D trong y học với các sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tế đạt tỉ lệ thành công 100%. 

Bảo Anh

Tin mới