Ngày 7/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp cho ý kiến vào chủ trương khai quật Di tích khảo cổ học Đồng Đậu.
Di tích khảo cổ học Đồng Đậu (ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc) có quy mô 85.000m2, được phát hiện vào tháng 2/1962. Từ đó đến nay, di tích được các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương nghiên cứu, khai quật khảo cổ 7 lần với tổng diện tích 802 m2.
Quá trình khai quật di tích thu được khối hiện vật đa dạng về chất liệu, số lượng và kiểu dáng, với nhiều loại hình phong phú, các công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, xương, răng động vật, di cốt người… phản ánh quá trình định cư lâu dài của người Việt cổ tại đây suốt gần 2 thiên niên kỷ.
Đặc biệt, Đồng Đậu là di tích khảo cổ có diễn biến văn hóa lâu dài, hiếm có, trải suốt từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên qua văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Đây cũng được xem là tấm bia lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên từ thấp tới cao của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cho ý kiến vào Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về chủ trương khai quật Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng tình với chủ trương và cho rằng, đây là công trình mang giá trị lịch sử, là cái nôi của nền văn minh lúa nước; là điều kiện để tỉnh phát triển du lịch tìm hiểu lịch sử, nguồn cội. Do vậy, tỉnh cần quan tâm đầu tư, có phương án giải phóng mặt bằng, phương án bảo tồn, tôn tạo xứng tầm với di tích quốc gia.
Một số Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị tỉnh nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật để có cái nhìn tổng thể; thuê các chuyên gia khảo cổ phục dựng, tái hiện lại cuộc sống của người Việt cổ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng, giá trị lịch sử của Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho rằng, cuộc khai quật Di tích khảo cổ học Đồng Đậu lần thứ 8 nhằm góp phần bổ sung thêm các tư liệu, hiện vật để có cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị di tích phục vụ nghiên cứu, tham quan du lịch và khơi dậy giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần, phục vụ phát triển.
Các hiện vật bằng đồng phát hiện tại Di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí về chủ trường khai quật di tích và yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương cụ thể hoá chủ trương bằng đề án để triển khai thực hiện. Trong đó, cần chú ý đến tầm nhìn dài hạn, nâng tầm di tích; xây dựng phương án giải phóng mặt bằng và quản lý di tích.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có ứng xử toàn diện và ngang tầm với các di tích lịch sử văn hóa nói chung để bảo tồn, tôn tạo các di tích phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch, khơi dậy giá trị lịch sử văn hoá, bản sắc truyền thống quê hương Vĩnh Phúc.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến vào Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại quy mô lớn, tạo điểm nhấn cho thành phố, xứng tầm làm trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh; quan tâm đến công tác quản lý đô thị, đất đai, chỉnh trang đô thị; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, con người văn hóa.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị quan tâm đến các dự án giao thông, xây dựng các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi tư duy và thói quen làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Rà soát lại các quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc, bảo đảm về không gian, quỹ đất cho xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ; xác định rõ danh mục các công trình ưu tiên đầu tư; rà soát, siết chặt việc đặt biển quảng cáo, rao vặt và việc đặt tên đường phố, số nhà.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết, Thường trực Tỉnh ủy sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và chỉ đạo hoàn thiện kết luận về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng thành phố Vĩnh Yên đến năm 2030.
Trong đó, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục quan tâm đến việc cải tạo, chỉnh trang các hồ, đầm, nhất là hồ Đầm Vạc, khu vực quảng trường trung tâm, tạo cảnh quan các khu vực công cộng, vui chơi giải trí sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh.