Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, kết quả kinh doanh của Vietbank cũng có những điểm sáng thực sự nổi bật như: Tổng tài sản đạt 91.505 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2019, tăng ròng 1.900 tỷ đồng/tháng), Ngân hàng có Tổng tài sản ở mức 100.000 tỷ đồng.
Điều đáng ghi nhận, Vietbank là ngân hàng trẻ tuổi nhất trong hệ thống các Ngân hàng TMCP với 14 năm hoạt động, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, là một trong 14 ngân hàng đầu tiên đáp ứng Basel II, ngân hàng duy nhất đạt giải thưởng công nghệ lõi tốt nhất châu Á,...
Năm 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Vietbank, mở đầu một nhiệm kỳ mới, một giai đoạn hoạt động mới với định hướng phấn đấu “tăng tốc”, tăng trưởng quy mô, đồng hành cùng khách hàng, đầu tư xây dựng nền tảng về nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng cho chiến lược phát triển lâu dài được ổn định và bền vững.
Vậy điều gì đã tạo nên thành công của Vietbank và nhà băng này sẽ làm gì để có thể đạt mục tiêu tham vọng trên? Ông Bùi Xuân Khu, Chủ tịch HĐQT Vietbank đã có những chia sẻ trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
- Nhìn lại hành trình Vietbank trong 5 năm qua - Giai đoạn triển khai tái cấu trúc, ông chia sẻ về kết quả quan trọng mà Vietbank đạt được như thế nào?
Vietbank là ngân hàng trẻ tuổi nhất trong hệ thống các ngân hàng TMCP, qua 14 năm hoạt động và phát triển, Vietbank đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, Vietbank luôn trong tâm thế chủ động, từng bước khẳng định nền tảng nội lực và đạt lợi nhuận kinh doanh.
Trên cơ sở triển khai thành công Phương án cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 1 (2013-2015), đáp ứng tất cả các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các vấn đề trọng yếu như trở thành công ty đại chúng, không có tình trạng sở hữu chéo, tỷ lệ nợ xấu đưa về ngưỡng dưới quy định.
Ông Bùi Xuân Khu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Ngoài ra chúng tôi rất tự hào khi chính những con người Vietbank đã tự xây dựng và triển khai dự án Basel II mà không phải thuê tư vấn bên ngoài. Tháng 11/2019, Vietbank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Basel II trước thời hạn và Vietbank là 1 trong 14 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Basel II. Bên cạnh đó Vietbank đầu tư hệ thống công nghệ lõi Corebanking, thu hút được rất nhiều nhân sự cấp cao ở các tổ chức lớn về đóng góp cho sự phát triển của Vietbank.
Việc tái cấu trúc cũng đánh động cho bước chuẩn bị để Vietbank có những định hướng mới, tăng tốc mới, những hoạt động chuyển mình trong giai đoạn 2021 – 2025.
- Việc hoàn thành Basel II đã giúp gì cho Vietbank, thưa ông?
Trên thực tế, hoạt động quản trị rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và các định chế tài chính đã và đang được chú trọng trong những năm gần đây, theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn của hiệp ước Basel II. Ở trường hợp Vietbank, ngay từ đầu năm 2019, ngân hàng đã chủ động triển khai hệ thống tính toán tài sản có rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II.
Một cơ sở để Vietbank phát triển là nhờ xây dựng hệ thống quản trị rủi ro từ gốc. Việc tuân thủ Basel II giúp nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đồng nghĩa với việc Ngân hàng đáp ứng các quy định khắt khe về quản trị và công nghệ. Vietbank luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
- Những kết quả đạt được đã giúp Vietbank có những kế hoạch, tham vọng gì trong 5 năm tới?
Những năm gần đây, nhất là trong năm 2020, Vietbank đã huy động thêm nguồn nhân lực, có thêm những cố vấn có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tài chính – ngân hàng. Định hướng của Vietbank về lâu về dài là trở thành ngân hàng bán lẻ, tốc độ tăng trưởng hàng năm với mục tiêu tăng trưởng cao, đến năm 2025 Vietbank lọt top 15 ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất.
Năm nay 2021, Vietbank đặt mục tiêu tăng trưởng về quy mô với tổng tài sản đạt 120.000 tỷ đồng. Thứ hai là Vietbank đã triển khai và ứng dụng thành công hệ thống corebanking để chuyển mạnh từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng điện tử, ngân hàng số, số hóa các hoạt động ngân hàng. Song song với đó, Vietbank trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phát triển mạng lưới thêm 20 chi nhánh, phòng giao dịch để nâng số lượng lên 138 điểm kinh doanh trên toàn quốc.
- Với mục tiêu tăng trưởng về quy mô, những hành động nào giúp Vietbank đạt được những mục tiêu này?
Vietbank sẽ tập trung vào yếu tố nguồn nhân lực, lấy con người làm trọng tâm để phát triển và là nòng cốt để phục vụ khách hàng được tốt nhất. Vietbank có đội ngũ CBNV tinh, giỏi, gắn bó, đoàn kết, chia sẻ, đồng tâm hiệp lực sẽ đẩy Vietbank tiến lên phía trước.
Tại Đại hội đồng cổ đông lần này, một nội dung quan trọng là Vietbank sẽ Bầu HĐQT – BKS nhiệm kỳ mới (2021-2025). Bên cạnh đó, Vietbank sẽ tăng cường sự hỗ trợ của Ban cố vấn, kiện toàn bộ máy điều hành, mở rộng mạng lưới, đào tạo, bồi dưỡng cùng với xây dựng một môi trường làm việc với chính sách đãi ngộ công bằng, minh bạch. Vietbank đang đồng thời triển khai nhiều dự án, trong đó có dự án tiền lương. Vietbank đến giờ vẫn là một ngân hàng quy mô nhỏ và vừa nhưng luôn thu hút được nhiều nhân sự cấp cao ở các tổ chức lớn về làm việc.
- Cảm ơn ông.