Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bị gọi điện liên tục hỏi về corona, bác sĩ cảm thấy áp lực

Sợ nhiễm virus corona chủng nCoV, nhiều người liên tục gọi điện cho bác sĩ đặt câu hỏi, hoặc tới bệnh viện yêu cầu làm xét nghiệm.

Tại buổi tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhiều bác sĩ than thở vì quá nhiều người gọi điện đặt câu hỏi về việc nghi nhiễm virus corona.

“Tôi thậm chí còn nhận được nhiều cuộc điện thoại ở địa phương hỏi tại sao có 3 người Trung Quốc vẫn đi lại bình thường ngoài đường”, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm dịch TP.HCM (CDC), kể.

Bác sĩ Nga giải thích rõ, người Trung Quốc không phải yếu tố dịch tễ để nghi ngờ nhiễm bệnh mà chỉ có người từ vùng dịch trở về mới phải tính đến yếu tố này.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. (Ảnh: T.H.TS.)

 

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cũng chia sẻ áp lực khi bệnh viện liên tục phải tiếp nhận những cuộc gọi nghi nhiễm bệnh. Thậm chí, nhiều người đến tận bệnh viện yêu cầu xét nghiệm vì từng hát karaoke, ăn chung, hay ăn ở nhà hàng của người Trung Quốc...

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới còn phải chịu áp lực từ chính các cơ sở y tế tuyến dưới khi họ liên tục chuyển bệnh nhân lên, dù không có triệu chứng và yếu tố dịch tễ như hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu bệnh nhân không có các yếu tố dịch tễ thì không nhất thiết phải cách ly tại viện mà có thể tự cách ly tại nhà/cơ sở lưu trú nếu nghi ngờ.

Yếu tố dịch tễ bao gồm: Tiếp xúc gần với ca bệnh nghi hoặc xác định nhiễm 2019-nCoV; Làm việc hoặc có mặt tại nơi đang điều trị người nhiễm virus corona và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh này.

"Có tình huống tuyến dưới chuyển lên, bệnh nhân không ngờ bị cách ly nên càng lo lắng. Ở ngoài thì nghi có virus chứ vào phòng cách ly là có virus thật. Vào trong thấy có người dương tính với virus trong đó hoảng quá lại chạy ra", bác sĩ Châu kể lại câu chuyện thực tế ở bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cảnh báo nếu các cơ sở y tế tuyến dưới có bao nhiêu ca nghi nhiễm đều đẩy hết lên tuyến trên mà không tự xử lý, thì bệnh viện sẽ vỡ trận giống như Vũ Hán hiện nay.

Ông khuyến nghị các cơ sở y tế nếu không thấy đầy đủ triệu chứng và yếu tố dịch tế như hướng dẫn của Bộ Y tế thì cần tư vấn cho người bệnh, không cần vào viện cách ly.

"Nếu phân tuyến ngay từ đầu thì khi dịch chuyển biến xấu, các cơ sở có thể linh động tự xử lý. Bệnh viện chúng tôi chỉ hồi sức hô hấp như mọi bệnh viện chứ không có thuốc đặc trị gì đặc biệt hết", ông Châu giải thích.

PV/VOV

Tin mới