Theo hãng tin Sputnik, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông diễn ra vào cuối tuần trước tại thành phố Vladivostosk thuộc vùng Viễn Đông, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga (FSMTC) Dmitry Shugaev cho biết Việt Nam đang quan tâm đến việc mua thêm các tàu hộ vệ tên lửa (lô thứ ba) thuộc lớp Gepard 3.9.
Cũng theo ông Shugaev, hai phía Việt Nam và Nga đang tổ chức tham vấn về vấn đề này.
"Đối tác Việt Nam vẫn đang quan tâm tới tàu hộ vệ Gepard 3.9. Hiện tại, các chuyên gia của chúng tôi và chuyên gia của khách hàng đang tiếp tục tham vấn kỹ thuật liên quan. Các cuộc đàm phán hợp đồng chủ đề dự kiến sẽ được tổ chức sau khi thống nhất các điều kiện kỹ thuật", ông Shugaev cho hay.
Tàu 016-Quang Trung, một trong 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 của Hải quân Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam)
Cũng theo đại diện FSMTC, lớp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mặc dù có kích thước tương đối khiêm tốn song được trang bị dàn vũ khí mạnh mẽ và cân đối. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn đang phát triển các biến thể tiếp theo của lớp tàu này
Trước đó, Nga đã bàn giao cho Hải quân Việt Nam lô hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 đầu tiên cho Hải quân Nhân dân Việt Nam vào năm 2011, lô thứ hai vào năm 2017. Cả bốn tàu Gepard 3.9 đều đang đóng vai trò lực lượng nòng cốt của Hải quân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay.
Nga đang phát triển các phiên bản Gepard 3.9 mạnh hơn
Dựa trên những tuyên bố của ông Dmitry Shugaev, nhiều khả năng Nga và Việt Nam đang xem xét lại thiết kế của lô tàu Gepard 3.9 thứ ba, bởi nếu sử dụng lại thiết kế cũ như trên các cặp Gepard trước đó thì hai bên sẽ không mất quá nhiều thời gian cho việc thảo luận các vấn đề kỹ thuật.
Cũng phải nói thêm rằng thiết kế và hệ thống vũ khí giữa cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam (Tàu 011-Đinh Tiên Hoàng; Tàu 012-Lý Thái Tổ) và cặp thứ thứ 2 (Tàu 015-Trần Hưng Đạo; Tàu 016-Quang Trung) có một số khác biệt.
Từ điều này có thể thấy Việt Nam mong muốn một cấu hình trang bị mạnh mẽ hơn cho lô Gepard 3.9 thứ ba, dĩ nhiên phía Nga hoàn toàn có thể đáp ứng được điều này khi họ đã cho ra mắt một số phiên bản nâng cấp của lớp tàu này trước đó.
Mô hình phiên bản nâng cấp tàu hộ vệ Gepard 3.9 được Rosoboronexport lần đầu giới thiệu tại DSE Vietnam 2019.
Điển hình như tại Triển lãm quốc tế về Quốc phòng và An ninh – DSE Vietnam 2019 được tổ chức tại Hà Nội, Tập đoàn Xuất nhập khẩu vũ khí Nhà nước Rosoboronexport của Nga đã lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng hai phiên bản nâng cấp của Gepard 3.9. Trong đó, có một phiên bản dành riêng cho nhiệm vụ tuần duyên và một phiên bản tăng cường khả năng chống hạm lẫn phòng không.
Việc Rosoboronexport chủ động giới thiệu các phiên bản mới của Gepard 3.9 tại DSE Vietnam cho thấy Nga muốn thúc đẩy thỏa thuận lô tàu thứ ba với Việt Nam và họ sẵn sang đưa ra các phiên bản mạnh nhất.
Về mẫu Gepard 3.9 mới được Nga giới thiệu tại Hà Nội, nó có thiết kế được tối ưu hóa hơn so với các phiên bản trước đó. So với các tàu chiến của Việt Nam hiện tại, biến thể Gepard 3.9 nâng cấp sở hữu sức mạnh tổng thể vượt trội với nhiều sự thay đổi, mang đến cho nó năng lực tác chiến toàn diện hơn trên biển. Điều mà các tàu Gepard hiện tại chưa thể thực hiện được.
Dựa trên mô hình được Rosoboronexport trưng bày tại DSE Vietnam 2019, tàu Gepard 3.9 nâng cấp có kích thước và lượng giãn nước lớn hơn so với các tàu Gepard của Việt Nam hiện tại.
Nga trang bị cho phiên bản Gepard 3.9 mới hệ thống ống phóng thẳng đứng VLS có khả năng mang theo 16 tên lửa, gấp đôi so với phiên bản cũ.
Hệ thống vũ khí trên tàu có sự thay đổi toàn diện, khi cụm ống phóng (2×4) 8 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E bị loại bỏ, thay vào đó là cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) có thể mang theo 16 tên lửa, gấp đôi so với các tàu Gepard thông thường. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thân tàu của Gepard 3.9 được kéo dài ra để có thể đặt cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng vào giữa thân.
Chưa rõ việc tăng kích thước này có ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của tàu Gepard 3.9 hay không nhưng việc phải hy sinh khả năng tàng hình không phải là thế mạnh của lớp Gepard có thể sẽ xứng đáng, bởi cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng của Nga không chỉ có thể mang theo các tên lửa chống hạm mà còn có cả tên lửa hành trình, tên lửa chống ngầm và cả tên lửa phòng không trên hạm.
Trong đó hai mẫu tên lửa chắc chắn sẽ được trang bị cho biến thể Gepard 3.9 nâng cấp là tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa chống hạm siêu thanh Yakhont như nhiều tàu chiến khác của hải quân Nga.
Cấu hình trang bị mới mang đến cho lớp tàu Gepard 3.9 khả năng tác chiến đa nhiệm hơn các phiên bản trước đó.
Với kho tên lửa tấn công trên năng lực tác chiến trên biển của Gepard 3.9 sẽ được nâng lên gấp bội với khả năng tác chiến đa nhiệm có thể đối phó với nhiều loại mục tiêu khác nhau. Đặc biệt, nếu được trang bị tên lửa phòng không tầm trung-xa, các tàu này có thể làm nhiệm vụ phòng không hạm đội.
Ngoài tên lửa, pháo hạm AK-176M trên Gepard 3.9 cũng sẽ được thay thế bằng pháo hạm A-190-01 hoặc A-192 hiện đại hơn. Các vũ khí còn lại như cụm ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm PTA-53-11661; tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU và tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630M vẫn được giữ nguyên.
Còn phiên bản tuần duyên của Gepard 3.9 được Rosoboronexport giới thiệu tại DSE Vietnam 2019 có tên mã là "Gepard 5.1" có thiết kế gọn hơn so với các phiên bản trước đó, tuy nhiên hệ thống vũ khí trên phiên bản này chỉ thiêng về khả năng phòng vệ. Dĩ nhiên thiết kế phù hợp với với nhiệm vụ mà Gepard 5.1 được hướng tới đó là tuần tra các vùng biển xa bờ.