Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Việt Nam – Liên bang Nga tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ

(VTC News) -

Điểm mạnh về an toàn an ninh mạng của Nga sẽ là nền tảng hợp tác mới Việt Nam - Nga, sẽ được lãnh đạo 2 nước thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Putin.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/6. Đây không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học - công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân.

Việc Tổng thống Nga Putin chọn thăm Việt Nam ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ thể hiện sự coi trọng, tin cậy chính trị dành cho quan hệ hai nước (Ảnh: RIA Novosti)

Chuyến thăm đặc biệt

Đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin, là Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga, ông Nguyễn Đăng Phát cho biết sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời cũng kỳ vọng quan hệ hai nước sẽ có nhiều tiến triển mới trên tất cả lĩnh vực. 

Ông Nguyễn Đăng Phát - nguyên Trưởng ban Biên tập Tin Thế giới (TTXVN) từng có 2 nhiệm kỳ thường trú tại Liên bang Nga vào các giai đoạn 1989-1993, 2005-2008.

Điểm lại tiến trình quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga với nền tảng trước đây là quan hệ Việt-Xô, ông Nguyễn Đăng Phát chia sẻ, sau khi Liên Xô tan rã và nước ta công nhận chính quyền mới của nước Nga đòi hỏi hai bên cần có một cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác. Đây chính là cơ sở cho sự ra đời của Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga năm 1994.

Hiệp ước 1994 cũng là dấu mốc quan trọng để Việt Nam – Liên bang Nga mở ra chương mới trong mối quan hệ hữu nghị hợp tác hai bên. Tiếp đó là việc hai nước chính thức thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2001 trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin đến Việt Nam. Nga cũng là đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam.

Từ năm 2001, hai nước không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác và tiếp tục nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Phát mối quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga không chỉ được thể hiện qua việc nâng cấp quan hệ, mà còn hiện thực hóa thông qua việc hai bên ký kết trên 100 văn kiện hợp tác thuộc tất cả lĩnh vực như kinh tế - thương mại, đầu tư, dầu khí, giáo dục - đào tạo, văn hóa – khoa học, kỹ thuật quân sự từ năm 1991 cho đến nay.

Nhìn lại hơn ba thập kỷ qua, hai nước có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được khi quan hệ ngày càng phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Về ý nghĩa của chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đối với việc hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia đến 2030, ông Nguyễn Đăng Phát cho biết, đây là lần thứ 5 Tổng thống Putin thăm Việt Nam, Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á duy nhất có 6 lần các đời Tổng thống Nga đến thăm. Việc ông Putin chọn thăm Việt Nam ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ thể hiện sự coi trọng, tin cậy chính trị dành cho quan hệ hai nước.

Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp 2 nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt – Nga. Ông Phát cho rằng, đây là dịp để lãnh đạo 2 nước, các bộ ngành gặp gỡ, thảo luận về phương hướng, hướng tới những thỏa thuận hợp tác.

Tổng thống Putin cũng là một trong những người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, là một người bạn của Việt Nam. Ông Phát kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin, quan hệ hai nước tiếp tục có triển vọng tốt.

Tạo nền tảng mới cho quan hệ Việt – Nga

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đăng Phát, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vladimir Kolotov nói, chuyến thăm của Tổng thống Putin là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh thế giới có những biến đổi địa chính trị sâu sắc.

GS.TSKH Kolotov hiện là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg (Liên bang Nga).

Ông Kolotov nhận định, sự hình thành của một trật tự thế giới mới đang dẫn đến những biến động về mặt địa chính trị. Do đó chuyến thăm sẽ là dịp để lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga có thể trao đổi lập trường về an ninh toàn cầu cũng như trong khu vực.

“Trong bối cảnh như hiện nay, lãnh đạo hai nước cần phải trao đổi đánh giá của mình về những biến động địa chính trị, trao đổi thảo luận cách thức hai nước có thể vượt qua những khó khăn trong hợp tác song phương hiện tại”, GS.TSKH Kolotov nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước Việt Nam vào năm 2013. (Ảnh: TTXVN)

Nói về những thuận lợi để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nga sau 30 năm ký Hiệp ước 1994, ông Kolotov cho rằng trước hết cần giải quyết các vấn đề mà cả hai cùng quan tâm.

Thứ nhất, hai nước vẫn tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ hợp tác, tin cậy cao mà không phải quốc gia nào cũng có được. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam – Nga chưa từng xảy ra mâu thuẫn trong các vấn đề chính trị.

Thứ hai, quan hệ Việt Nam – Nga được phát triển và chứng minh thông qua các lĩnh vực gồm, hợp tác an ninh quốc phòng, kinh tế, dầu khí, công nghệ và giáo dục. Cả 5 lĩnh vực này đều đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đảm bảo an ninh quốc gia của cả hai nước.

Trong đó hợp tác an ninh quốc phòng được coi là trụ cột trong quan hệ Việt-Nga. Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược đến năm 2030 giữa hai nước cũng cho thấy hợp tác thương mại và đầu tư còn xếp sau hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự, an ninh.

Theo ông Kolotov với những khó khăn từ lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây, việc thúc đẩy hợp tác giữa hai bên đang chững lại. Điều này có thể thấy rõ nhất qua việc thiếu các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Nga. Hiện nay chỉ có một chặng bay duy nhất từ các thành phố của Nga đến TP.HCM. 

Ngoài ra hai bên cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán quốc tế khi khách du lịch, nhà đầu tư Nga muốn đến và hợp tác với phía Việt Nam và ngược lại.

Hiện nay giao dịch thương mại của cả hai bên đều phải thông qua USD hoặc euro trong thanh toán quốc tế. Do đó giải quyết vấn đề thanh toán quốc tế, tăng cường sử dụng nội tệ của hai nước, có thể được lãnh đạo hai bên thảo luận trong chuyến thăm lần này.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam có sự hợp tác sâu rộng đối với Liên bang Nga dựa trên những truyền thống từ thời Liên Xô. Tuy nhiên giống như hợp tác thương mại, hợp tác quốc phòng – an ninh hai bên bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận từ phương Tây.

  Giáo sư Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học tổng hợp Quốc gia St. Petersburg, LB Nga. (Ảnh: TTXVN) 

Một trọng tâm khác trong quan hệ Việt – Nga chính là hợp tác về năng lượng, bởi cơ sở hạ tầng năng lượng là nền tảng cơ bản của mỗi quốc gia. Đây cũng trở thành mục tiêu dễ bị tác động nhất từ mối đe dọa từ bên ngoài.

Nga hiện nay đang sở hữu các công nghệ  an ninh mạng tiên tiến nhất cho phép ngăn chặn những nguy cơ như trên. Và có lẽ đây sẽ là một trong những lĩnh vực hợp tác mới mà Việt Nam sẽ quan tâm.

Một lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước được chú trọng phát triển trong thời gian gần đây là giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Trong đó có đào tạo tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt ở Nga.

Mặc dù dư địa để Việt Nam – Nga có thể phát triển còn khá lớn nhưng kim ngạch thương mại hai nước vẫn còn khiêm tốn, hai bên đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này Việt Nam - Nga cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng và tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới, như công nghệ cao.

Đối với Việt Nam việc có thể các đối tác thương mại lớn như Nga là một cơ hội tốt bởi nó sẽ hạn chế sự phụ thuộc vào các thị truyền thống. Điều này cũng tương tự đối với Nga.

Trà Khánh

Tin mới